Xin ông đánh giá sơ bộ về những kết quả đạt được trong gần 10 năm xây dựng và phát triển của Công ty Mua bán nợ Việt Nam?

DATC tiếp tục khẳng định sứ mệnh "giải cứu" - Ảnh 1
Ông Phạm Mạnh Thường - 
Phó Tổng giám đốc DATC
Được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập tháng 6/2003, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và được xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hạng đặc biệt do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý.

Đến nay, sau hơn 9 năm hoạt động, DATC đã trưởng thành về mọi mặt, đã làm tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò và sứ mệnh theo định hướng thành lập. Đến 31/12/2012, DATC đã hoàn tất công tác tiếp nhận để xử lý đối với nợ và tài sản loại trừ của 2.419 DN sau cổ phần hóa. Bằng nghiệp vụ này, một mặt DATC đã xử lý để tận thu về 419,3 tỷ đồng cho Nhà nước; mặt khác, DATC giúp các DN thoát gánh nặng quản lý và xử lý công nợ và tài sản loại trừ để tập trung hơn cho việc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình mới.

Đối với hoạt động mua và xử lý nợ, trong thời kỳ đầu, DATC tập trung mua và xử lý các khoản nợ và tài sản do Chính phủ chỉ định. Từ năm 2007 đến nay, DATC đã thay đổi cơ bản cách tiếp cận, tập trung nguồn lực vào hoạt động mua và xử lý nợ theo hình thức thoả thuận mà trọng tâm là gắn với tái cơ cấu DNNN. Hướng đi mới này mặc dù gặp nhiều trắc trở do lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nhưng DATC đã kiên trì thực hiện và bước đầu gặt hái những thành công.

Đến 31/12/2012, DATC đã xử lý nợ gắn với tái cơ cấu cho 79 DN là các DN có nợ quá hạn rất lớn, vốn chủ sở hữu bị âm hoặc gần như mất hết và đang bên bờ vực phá sản. Sau tái cơ cấu, nhiều DN đã hồi sinh và mở rộng hoạt động kinh doanh, làm ăn có có lãi, có nguồn để trả nợ. Đồng thời, thông qua việc mua nợ, DATC đã trực tiếp giúp các ngân hàng thương mại và các chủ nợ khác xử lý nợ xấu, góp phần cải thiện năng lực tài chính, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính trong quá trình cải cách và hội nhập.

Đến nay, DATC đã mua lũy kế được khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng thông qua 120 phương án và hiện đang đàm phán khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu khác. Trong 120 phương án mua nợ có 77 phương án để xử lý theo hình thức tái cơ cấu DN và đến nay đã hoàn tất được 47 phương án.



Ngoài làm tốt nhiệm vụ hoạt động, DATC cũng đã hoàn thành mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao. Khi thành lập, DATC được cấp vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, đến 31/12/2012 số vốn chủ sở hữu Nhà nước tại DATC đã tăng lên 2.756 tỷ đồng, bên cạnh số dự phòng rủi ro đã trích trên 500 tỷ đồng. Có thể nói DATC đã từng bước hoàn thiện để trở thành tổ chức chuyên môn về mua, xử lý nợ và tái cơ cấu DN, được Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương, hệ thống ngân hàng, cộng đồng DN và xã hội ghi nhận.

Đề án Tái cơ cấu DNNN đã được Chính phủ phê duyệt có đề cập vai trò của DATC trong xử lý nợ và tái cơ cấu DNNN. Thực tế, hoạt động này đã được DATC thực hiện từ nhiều năm nay, xin ông cho biết kết quả hoạt động này thế nào?

Lũy kế tới 31/12/2012, DATC đã thực hiện 127 phương án mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng với giá trị sổ sách đạt 8.567,6 tỷ đồng. Trong đó có 79 phương án để xử lý theo hình thức tái cơ cấu DN và đến nay DATC đã hoàn tất được 54 phương án với 28 đơn vị là DN 100% vốn Nhà nước và 26 đơn vị là DNNN cổ phần hóa. Gần đây, DATC bắt tay xử lý nợ và tái cơ cấu cho các DNNN quy mô lớn mà khởi đầu là Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) và đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của DATC trong thời gian tới theo Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn là nhiều DN sau giải cứu thành công đã mang lại tác động nhiều mặt cho DN, Nhà nước và xã hội. Đối với 54 đơn vị đã tái cơ cấu, Nhà nước không những thu được 201 tỷ đồng thuế và 34,2 tỷ đồng bảo hiểm xã hội nợ đọng mà còn thu được cả trăm tỷ đồng tiền thuế phát sinh hàng năm. Xã hội không bị lãng phí nguồn lực do phải xóa sổ DN mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Mấy ai biết rằng những mã cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HNX là SDG, KTS hay SLS đều đặn hàng năm được định hạng AAA và có mức chi trả cổ tức 20 – 30%, chỉ mấy năm trước đây thôi đã thuộc diện “chết lâm sàng”, chính quyền địa phương nhiều năm trời nỗ lực nhưng không cổ phần hóa được.

Năm 2012, DATC tạo bước đột phá khi tham gia “giải cứu” thành công Bianfishco và xử lý tồn tại tài chính để cổ phần hóa Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam. Là người trong cuộc, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Việc giải cứu thành công Bianfishco đã gợi mở một hướng đi mới ở Việt Nam. DATC không trực tiếp bỏ tiền mua nợ thực hiện tái cơ cấu như các trường hợp trước đó mà đứng vai người dàn xếp để cổ đông và các chủ nợ tự thỏa thuận xử lý. Đến nay, Bianfishco dàn xếp ổn thỏa với các chủ nợ lớn và cơ bản trả được nợ cho người dân, đã thu mua cá nguyên liệu trở lại để chế biến, xuất khẩu, khôi phục lại công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Việc tự thỏa thuận giữa cổ đông với các chủ nợ để tái cơ cấu mà không cần phải qua Tòa án theo Luật Phá sản hoặc sự can dự của bên thứ ba là kinh nghiệm đã có ở một số nước và đây là xu hướng sẽ dần được mở rộng ở Việt Nam. Vừa qua, Công ty cổ phần Thủy sản Phương Nam cũng đã khởi động tái cơ cấu theo cách thức tương tự.

Nhắc đến Viseri, ai cũng biết đến một đơn vị có tiếng về kinh doanh kém hiệu quả, trầy chật cả chục năm không cổ phần hóa được và Chính phủ đã liệt vào diện phải phá sản. Tuy nhiên, DATC đã mua nợ, xử lý tồn tại tài chính và đang trong tiến trình trợ giúp Viseri chuyển thành công ty cổ phần. Tại thời điểm 30/9/2011, giá trị thực tế của Viseri là 327,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 122,8 tỷ đồng, DATC đã xóa một phần nợ để cân đối tài chính giúp Viseri đủ điều kiện cổ phần hóa. Viseri sau tái cơ cấu sẽ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm DATC 51% từ chuyển nợ thành vốn góp; tổ chức Công đoàn Viseri mua 0,12%; người lao động Viseri mua 5,5%; và 43,38% chào bán ra ngoài. Đầu năm 2013, Viseri sẽ tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu để chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Sang năm 2013, DATC đã có kế hoạch gì để thực hiện nhiệm vụ và tiếp tục khẳng định vai trò của mình?

Năm 2013 là năm Chính phủ tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Trong đó, có tái cơ cấu DNNN và DATC được nhìn nhận như một công cụ trong nhiều giải pháp của Chính phủ để xử lý nợ và tái cơ cấu DN. Với tâm thế đó, trong năm 2013, một mặt DATC tiếp tục hoàn tất 25 phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu đang triển khai.

Mặt khác, DATC xúc tiến chương trình xử lý nợ, hỗ trợ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đang có nợ xấu quy mô lớn theo Đề án của Chính phủ. Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu để ban hành mới văn bản thay thế Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với DNNN nhằm tạo thể chế mới, phù hợp giúp DATC và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuận lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, DATC cũng gấp rút hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu của chính DATC; trong đó, bao gồm cả vấn đề thay đổi mô hình tổ chức hoạt động, tăng cường quy mô vốn và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để DATC nâng cao năng lực đảm nhận nhiệm vụ mới.

Ngoài ra, nguồn lực tài chính là vấn đề quan trọng nên DATC đã có chủ trương đẩy mạnh việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đã tái cơ cấu. Với kinh nghiệm thu được từ việc thoái vốn tại các đơn vị như Sadico Cần Thơ, Đường Kon Tum, Nhôm Khánh Hòa, XDCT 134… DATC hy vọng sẽ làm tốt công tác thoái vốn tại các đơn vị còn lại để tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mới.

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013


DATC tiếp tục khẳng định sứ mệnh "giải cứu"

Đỗ Hải

(Tài chính) Năm 2013, Công ty Mua bán nợ Việt Nam bước vào tuổi thứ 10. Với chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã từng bước khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình trong xử lý công nợ và tài sản tồn đọng, hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp. Nhân dịp đầu Xuân mới 2013, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc về chặng đường đã qua và những dự định sắp tới của công ty…

Xem thêm

Video nổi bật