DATC với mục tiêu tăng trưởng vượt trội trong năm 2016

PV.

Trên cơ sở nền tảng tăng trưởng vững chắc đã được thiết lập trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2015, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang vững tin bước vào năm 2016 thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ cao vượt trội...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trao tặng Cờ và Bằng khen của Bộ Tài chính cho DATC
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu trao tặng Cờ và Bằng khen của Bộ Tài chính cho DATC

Vững vàng vượt khó

Năm 2015 khép lại, cũng với những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô, những thành tựu vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước của ngành Tài chính, DATC cũng khẳng định vị thế vững vàng khi hoàn thành vượt mức cao các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Mặc dù, hoạt động kinh doanh của DATC năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt Công ty đã cán đích ngoạn mục.

Tinh thần nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được thắp nên bắt đầu từ trong chỉ đạo điều hành, khơi dậy sức mạnh tập thể trong bản thân mỗi cán bộ, nhân viên quyết tâm hoàn thành xuất sắc tinh thần vươn lên vượt qua khó khăn, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp phù hợp, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất năm 2015.

Cộng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự hợp tác từ các Bộ, Ban ngành Trung ương, DATC đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Cụ thể tổng doanh thu thực hiện 2015 đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, đạt 160% so với kế hoạch, tăng 2,3 lần so với thực hiện năm 2014; lợi nhuận ước đạt 280 tỷ đồng, đạt 165% so với kế hoạch; tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước là 226 tỷ đồng.

Trong hoạt động mua bán nợ năm 2015, Công ty đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 58 doanh nghiệp; với tổng giá trị nợ và tài sản tồn đọng được xử lý là hơn 1700 tỷ đồng, đạt hơn 150% so với kế hoạch, tăng 2,3 lần so với 2014.

Cùng với đó, công tác thoái vốn đầu tư tại các DN, các tổ chức tài chính có vốn góp của DATC được xem là nhiệm vụ chính trị.

Do đó, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi sở hữu và các doanh nghiệp khác có vốn góp của DATC để thoái vốn theo quy định, kể cả thoái vốn các doanh nghiệp mới góp vốn từ 2013, 2014.

Trong năm 2015, DATC đã hoàn thành thoái vốn tại 24 doanh nghiệp, thu về hơn 323 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,37 lần so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thế mạnh hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp tiếp tục được DATC phát huy. Không chỉ thực hiện xử lý tài chính, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo các mục tiêu kế hoạch đặt ra, năm qua DATC còn thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao.

Đó là, DATC tiếp tục tham gia xử lý tài chính, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Qua đó, giúp nhiều doanh nghiệp lành mạnh về tài chính, vực dậy sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và phụ thuộc tại các doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách và ổn định tình hình kinh tế - an sinh xã hội tại các địa phương.

Quyết tâm lớn, mục tiêu cao

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2015, DATC đã vững tin đặt ra những chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh tăng trưởng vượt trội trong năm 2016.

Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể là: doanh số mua nợ đạt 2.000.000 triệu đồng; Doanh thu đạt 1.890.000 triệu đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 194.000 triệu đồng...

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu trên, DATC cũng đã đặt ra nhiều giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục mở rộng phạm vi đối tương doanh nghiệp tái cơ cấu thông qua xử lý nợ cho: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; phạm vi đối tượng xem xét mua nợ của các Ngân hàng có vốn nước ngoài các khoản nợ phải thu của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cá nhân gắn với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc xử lý tài chính; nghiên cứu áp dụng linh hoạt các phương thức mua, bán, xử lý nợ và tài sản đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp đồng bộ với các Bộ, Ngành để đảm bảo thời hạn tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại các doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu. Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân loại nợ tiếp nhận, tài sản là chi phí, không còn hiện vật, mất mát thiếu hụt để trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xử lý. Phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp thu hồi nợ với Ban Pháp chế để tận thu nợ trong quá trình thi hành án.

Thứ ba, thực hiện linh hoạt tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với quá trình mua bán xử lý nợ và tài sản, bằng cách chuyển nợ thành vốn góp cổ phần vào DN. Thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt phương án để thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu các doanh nghiệp.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và chiến lược kinh doanh của Công ty. Trong đó, tập trung báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Bộ để Bộ trình Chính phủ Nghị định về cơ chế hoạt động DATC; Đề án DATC tham gia tái cơ cấu gắn với thu hồi nợ trái phiếu SBIC; Quy chế quản lý, sử dụng quỹ thu hồi nợ SBIC; Quy trình phối hợp trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ nguồn vốn vay trái phiếu quốc tế chính phủ.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, lao động, chính sách tiền lương phù hợp với Đề án nâng cấp Tổng công ty và chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách về điều chuyển lao động từ các Chi nhánh, Trung tâm làm việc tại cơ quan văn phòng Công ty và ngược lại, kể cả việc điều chuyển cán bộ lãnh đạo các Ban, Chi nhánh, Trung tâm để bổ sung, tăng cường cho các đơn vị trong Công ty.

Hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ nhân viên Công ty để sớm xây dựng thang bảng lương, chuyển xếp lương đối với người lao động theo Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015.

Thường xuyên đánh giá, phân loại cán bộ qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo trong nước, kể cả việc đào tạo tại nước ngoài để đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu chế độ đãi ngộ xứng đáng với năng lực cống hiến để thu hút người tài xây dựng và phát triển công ty.

Thứ sáu, nghiên cứu, định hướng thông tin, quảng bá hoạt động của Công ty nhằm hướng dư luận hiểu sâu về nhiệm vụ của công ty trong hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng. Qua đó có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin từ các Ban đến Chi nhánh, Trung tâm.

Tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ quan báo chí đăng tải nhiều tin, bài về hoạt động của công ty. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hạ tầng thông tin để áp dụng tổ chức các cuộc họp, giao ban trực tuyến đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời của cấp Uỷ, Lãnh đạo công ty với các Chi nhánh, Trung tâm trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ bảy, củng cố các chương trình hợp tác với các nước, các tổ chức đã đặt quan hệ trước đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malayxia, Woori F&I... Xúc tiến công tác trao đổi thông tin với WB, ADB, JICA để hỗ trợ trong xử lý nợ; đào tạo cán bộ; tìm kiếm nhà đầu tư và thu hút nguồn nhân lực mới cho hoạt động của công ty.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng thương mại, Sở Giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán, kể cả các công ty quản lý tài sản, VAMC thông qua biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp, hỗ trợ trong công tác mua, bán nợ, thoái vốn đầu tư.

Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hoạt động tại cơ quan văn phòng Công ty và các Chi nhánh, Trung tâm. Thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và quy chế của Công ty...