Đau đầu hàng tồn kho

PV.

(Tài chính) Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2013 tăng 5,4% thì chỉ số tồn kho đã tăng lên 13,9%. Con số này đã phản ánh thực trạng của ngành công nghiệp trong nước với những khó khăn về đầu ra sản phẩm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2013 tăng 5,4%. Nguồn: internet
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2013 tăng 5,4%. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là có sự thay đổi tích cực trong các ngành nghề công nghiệp, thay vì nhóm ngành công nghiệp thế mạnh về nhân công, nguyên liệu sẵn có như trước đây, nay đã chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng khá, ở mức 7,4%, cao hơn so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2013; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,6%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,4%.

Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đẩy chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2013, cao hơn mức tăng 13,1% của cùng thời điểm năm trước. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 3 tháng đầu năm nay là 80,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 174,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 145,7%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 111%; sản xuất kim loại 103,4%. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và hướng đi nào cho các doanh nghiệp trong nước.

Sức mua yếu là một trong những lý do quan trọng nhất ảnh hưởng tới hàng tồn kho. Trên thực tế, thời điểm qua tết nguyên đán, giá cả mặt hàng đều có sự điều chỉnh nhích nhẹ hơn so với trước tết, chính điều đó làm cho khách hàng cũng dè chừng với việc mua sắm, mà sức mua giảm thì sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, lượng hàng tiêu thụ cuối năm tăng cao đột biến do nhu cầu của người dân tăng cao, vì vậy thời gian sau đó gần như bị chững lại, trong khi các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì hoạt động, điều này khiến cho số lượng hàng trong kho không những sụt giảm mà ngày càng tăng cao.

Để giải quyết bài toán này, nhà nước cần có chính sách giải cứu cho các doanh nghiệp như: đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương người Việt dùng hàng Việt, tìm lối ra xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư hợp tác với nước ngoài, hạn chế tình trạng nhập khẩu ồ ạt, hỗ trợ về vốn vay, lãi xuất để các doanh nghiệp khắc phục được khó khăn trước mắt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự vận động để giải phóng kho hàng như giảm giá thành, tăng khuyến mại, điều chỉnh lại quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác, đồng thời không ngừng tìm kiếm nguồn thị trường, đối tác tiềm năng. Để tránh tình trạng vốn bị giam hàng tồn, các doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để dòng vốn xoay vòng nhanh nhất, cắt giảm chi phí đầu vào. Các doanh nghiệp cần tìm mọi cách để liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tình trạng cung vượt quá cầu. Lâu nay ngành công nghiệp nước ta đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đầu ra sản xuất, các công ty mới chú trọng làm ra sản phẩm mà chưa có khâu tiếp thị và phân phối đúng cách, chưa dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường nên xảy ra tình trạng ế ẩm, tồn kho từ năm này qua năm khác.

Đơn cử như ngành thực trạng của ngành công nghiệp mía đường của nước ta hiện nay, lượng đường tiêu thụ trong nước có giới hạn, tỉ lệ xuất khẩu hạn chế trong khi các doanh nghiệp mía đường luôn trong tình trạng dồn ứ cả về mía nguyên liệu, thành phẩm, cùng với tình trạng đường nhập lậu tràn vào đã đẩy các doanh nghiệp mía đường luôn trong tình trạng khó khăn về vốn và tiêu thụ, kéo theo đó làm cho ngành mía đường trong nước không phát triển được, các doanh nghiệp sản xuất thua lỗ và phải nhờ đến sự cứu cánh của nhà nước, hoặc giải thể doanh nghiệp.

Hay như trong ngành công nghiệp lắp láp và chế tạo phụ kiện ô tô, hiện nay, các nhà đầu tư lớn đến với Việt Nam trong lĩnh vực này đều mong muốn có được nguồn vật liệu nội địa đủ tiêu chuẩn chất lượng nhưng các nhà sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nhỏ của thị trường trong nước, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu của các nhà đầu tư. Giải pháp cho các doanh nghiệp là nên tính toán dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đơn đặt hàng của đối tác, chú trọng vào chất lượng sản phẩm hơn là sản xuất đại trà, không có kế hoạch cụ thể.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá sản phẩm chưa mang lại kết quả. Tạo ra sản phẩm tốt là quan trọng, tuy nhiên yếu tố quyết định cuối cùng lại nằm ở khâu quảng bá, nếu không có chiến lược tiếp xúc, quảng bá sản phẩm tốt thì sản phẩm cũng không đến với được với khách hàng.

Hiện nay, Chính phủ đang không ngừng tiến hành các phiên đàm phán, kí kết vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước để nhằm mục đích quảng bá sản phẩm, giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự giới thiệu về mình. Bên cạnh đó, không ngừng thay đổi các chính sách để phù hợp với tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cho nhà sản xuất.