“Đau đầu” vì... lợi nhuận tăng đột biến

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Một số doanh nghiệp (DN) "đau đầu" vì lợi nhuận tăng ấn tượng, trong khi doanh thu không tăng hoặc tăng không đáng kể.

 “Đau đầu” vì... lợi nhuận tăng đột biến
9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của HPG giảm gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Nguồn: internet

Lợi nhuận ấn tượng nhờ đâu?

Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 1.770 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt hơn 1.520 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 1.200 tỷ đồng của cả năm.

Góp phần tạo ra con số ấn tượng này bao gồm số tiền 264 tỷ đồng nhận lại được trong vụ việc liên quan đến “bầu” Kiên, kèm theo khoản hoàn nhập dự phòng 164 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các điều kiện về tín dụng thuận lợi hơn đã giúp HPG giảm được chi phí lãi vay đến 45,6%, xuống còn hơn 238,5 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình (HBC) có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm là 21,5%, đạt 53,63 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm được 34,24 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Tập đoàn Kinh Đô (KDC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 xấp xỉ 505 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được phần lớn nhờ chi phí tài chính giảm 124,2 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay giảm hơn một nửa, xuống còn 36,4 tỷ đồng.

Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) gây ấn tượng mạnh khi “tạo ra” lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 cao gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 169,3 tỷ đồng. Đóng góp quan trọng vào con số này là khoản hoàn nhập hơn 100 tỷ đồng dự phòng đầu tư vào CTCP Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến, sau khi công ty này được sáp nhập vào TLH.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Lợi nhuận thấp khiến DN “đau đầu” đã đành, đằng này, lợi nhuận 9 tháng tăng ấn tượng, thậm chí vượt cả kế hoạch năm như trên, nhưng vẫn khiến DN phải trăn trở, lo lắng, bởi doanh thu không tăng, hoặc tăng không đáng kể, tức đầu ra có “vấn đề”.

Tại HPG, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 đạt 12.663 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với kế hoạch cả năm là 18.500 tỷ đồng thì khoảng cách còn khá xa.

Nhiều người căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao để cho rằng, DN đang làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Như đã đề cập ở trên, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của HPG là khoản hoàn nhập dự phòng và do chi phí lãi vay giảm. Nếu nói rằng, HPG đã quản lý chi phí hiệu quả hơn thì chưa đủ cơ sở.

HBC cũng tương tự, lợi nhuận 9 tháng tăng 21,5% trong bối cảnh doanh thu thuần chỉ tăng 6,2%. Hay như KDC, doanh thu thuần 9 tháng chỉ cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6,7%. Vấn đề “đau đầu” ở chỗ, các DN đã tăng thêm chi phí bán hàng, thậm chí có DN tăng rất mạnh, nhưng đầu ra lại cải thiện không đáng kể.

Điều này đã được ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC giãi bày: “Hai năm qua, tôi thấy lo lắng, vì phát triển chậm. Thị trường Việt Nam 2 năm nay tăng trưởng chậm lại. Không có bước đột phá thì khó phát triển thêm. Mong muốn của các nhà đầu tư là đẩy nhanh và chỉ có cách là liên doanh, liên kết để tăng thêm sản phẩm, mở rộng ra nước ngoài”.

TLH cũng “kẹt” đầu ra, nhưng có vẻ hơi khác. Lợi nhuận gộp về bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2013 của TLH giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2012, xuống còn 34,7 tỷ đồng. Vấn đề của TLH là giá vốn hàng bán đã tăng gấp đôi mức tăng của doanh thu thuần.

Hoàn nhập dự phòng, chi phí lãi vay giảm, thu nhập từ chuyển nhượng dự án… có tính thất thường, không phải kỳ báo cáo nào cũng thấy chúng xuất hiện. Vì thế, chuyện doanh thu không đạt kế hoạch mà lợi nhuận đạt cũng chỉ là nhất thời. Vấn đề cơ bản của DN vẫn là đầu ra của hàng hoá và dịch vụ.