Dấu hiệu lừa đảo tại doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Theo VIR

Tình trạng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn đang tăng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

Có dấu hiệu lừa đảo

Đa phần doanh nghiệp bỏ trốn bị phát hiện ở các tỉnh phía Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ các nền kinh tế châu Á, như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong tổng số 32 dự án FDI bị rút phép tại Đồng Nai, có đến 11 dự án đến từ Đài Loan. Còn ở Long An, trong danh sách 9 doanh nghiệp không hoạt động tại địa điểm đăng ký đầu tư mà tỉnh này vừa rà soát, doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm hơn một nửa.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, 17 dự án FDI bị rút phép trong tháng 11/2012 là các dự án có quy mô vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực sản xuất chế biến và gia công sản phẩm công nghiệp, như may mặc, thực phẩm, bao bì, cơ khí - kim loại…

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, ngoài nguyên nhân khó khăn kinh tế, nhiều doanh nghiệp Đài Loan bỏ trốn còn có nguyên do khác. Nếu suy xét kỹ, họ thường ôm khoản tiền lớn rồi mới bỏ trốn. Với các dự án dạng này, chủ đầu tư chỉ bỏ ra một phần nhỏ vốn để làm vốn lưu động, trong khi nhà xưởng đi thuê, huy động tài chính bằng việc thế chấp nhà xưởng, máy móc thì sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính, mua nguyên vật liệu thì theo hình thức trả chậm…, nên quy mô sản xuất có thể lớn, nhưng nguồn vốn chủ đầu tư bỏ ra không nhiều. Đến khi bỏ trốn, tài sản để lại là quá ít so với nợ phải trả. Do vậy, không loại trừ việc lừa đảo trong các vụ bỏ trốn này.

Ông Dũng dẫn chứng một trường hợp sau khi bỏ trốn, tài sản còn loại chỉ có giá trị 300 triệu đồng, trong khi nợ lương công nhân lên đến 900 triệu đồng, cùng các khoản nợ khác lên tới 12 tỷ đồng.

“Việc bỏ trốn được các doanh nghiệp tính toán từ trước, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp còn bán lại máy móc để ôm thêm một khoản tiền trước khi bỏ trốn, nên khi cơ quan quản lý tìm đến nơi, chỉ còn mỗi nhà xưởng trống trơn”, ông Dũng cho biết thêm.

Ông Dũng lấy ví dụ trường hợp một doanh nghiệp Đài Loan trong Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước. Tết năm 2011, doanh nghiệp này còn mời Ban quản lý đến gặp gỡ, nhưng sau đó 1 tháng đã biến mất, nhà xưởng thì đã thế chấp hết cho ngân hàng; máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thì chuyển ra ngoài bán hết. Khi Ban quản lý phát hiện doanh nghiệp bỏ trốn, thì tài sản không còn gì.

Kẽ hở trong quản lý

Việc quản lý các doanh nghiệp bỏ trốn hiện nay vô cùng khó khăn, vì quy định pháp luật còn kẽ hở, lực lượng quản lý mỏng, cơ chế giám sát còn nhiều bất cập.

Theo ông Dũng, với lực lượng mỏng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương không thể theo dõi hết hơn 1.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, đó là chưa kể các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Sở phải giao cho từng huyện rà soát, quản lý doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo kinh nghiệm của Ban quản lý KCN tỉnh Long An, để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, Ban quản lý phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư của từng KCN.

Đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Long An cho biết: “Chủ đầu tư các KCN phải giám sát rất chặt chẽ các doanh nghiệp, như thông qua chỉ số sử dụng điện, nước hàng tháng; chủ đầu tư KCN cũng phải thường xuyên tới các doanh nghiệp để nắm tình hình. Khi phát hiện bất thường, phải báo ngay Ban quản lý các KCN để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu hoạt động không bình thường của doanh nghiệp không chỉ giúp phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn, mà còn giúp ngăn cản việc tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, kinh nghiệm này của tỉnh Long An chỉ có thể áp dụng có hiệu quả với các doanh nghiệp nằm trong KCN.

Trong khi đó, còn thiếu sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam với các cơ quan quản lý. Trên thực tế, các cơ quan lãnh sự rất tích cực bảo vệ doanh nghiệp của họ trong quá trình đầu tư, nhưng khi doanh nghiệp bỏ trốn, sự hợp tác của cơ quan này với chính quyền địa phương lại rất hạn chế.