Đâu là bài học từ các thương vụ thoái vốn thành công?

Theo Mai Hương/bizlive.vn

Vẫn là Bluechip số một của thị trường trong nhiều năm, tuy nhiên diễn biến thoái vốn của nhà nước tại cổ phiếu VNM trong 2 năm đã có những diễn biến khá trái ngược. Đâu là bài học từ các thương vụ thoái vốn thành công?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại buổi Hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” vừa được BizLIVE phối hợp với VTV24 tổ chức cuối tuần qua tại Sầm Sơn, các diễn giả thảo luận sôi động về các thương vụ thoái vốn lớn trong năm vừa qua. 
Trong đó trường hợp của VNM đã được nhắc đến nhiều nhất. Cụ thể, trong tháng 11 vừa qua, phiên đấu giá của VNM đã có tới 19 nhà đầu tư tham dự và có một nhà đầu tư ngoại ngoại mua là Platinium Victory đã chấp nhận bỏ ra mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá khởi điểm 24%.
Tuy nhiên, cũng chính doanh nghiệp số ngành sữa Việt Nam lại không thành công trong đợt chào bán trước đó vào tháng 12/2016, tức trước đấy gần 1 năm. Phiên chào bán đó chỉ có 2 công ty của F&N tham gia và cũng chỉ mua 60% cổ phần đấu giá của SCIC ở mức giá 144.000 đồng/cổ phần.
Vậy đâu là nguyên nhân giá thoái vốn của VNM chỉ sau 1 năm đã tăng gần 30% cùng với đó là số lượng nhà đầu tư cạnh tranh nhau để mua cũng tăng đột biến hơn. 
Theo TS Võ Trí Thành, việc Việt Nam động chạm đến các tập đoàn, đẩy mạnh việc cổ phần hoá, cách quyết liệt ấy đem lại niềm tin cho thị trường. Cổ phần hoá sẽ tiếp tục gắn bó khăng khít với quá trình cải cách. Sắp tới còn nhiều tập đoàn, tổng công ty nữa ngoài Sabeco, VNM.
"Câu chuyện hiệu quả này là bài học lớn về xúc tiến, là trò chơi thị trường. Tuy nhiên, cổ phần hoá - chuyển đổi sở hữu là cuộc chơi dài, ko phải cuộc chơi 1 lần. " ông Thành cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nguyên nhân chính là quy mô thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Năm 2017, quy mô GDP Việt Nam đã đạt vượt 220 tỷ USD, cùng với đó, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh và đạt hơn 70% GDP.
Hệ thống doanh nghiệp phát triển, các ngành nghề cơ bản cổ phần hoá được xây dựng và có cơ hội rộng mở rộng. Trong lần đầu, VNM đấu giá chưa thành công và chỉ có F&N Diary tham gia. Tuy nhiên, khi quy mô thị trường trở nên lớn hơn, các nhà đầu tư đã tham gia mạnh hơn.