Đầu tư mạnh cho thương mại điện tử

Theo Bảo Ngọc/baocongthuong.com.vn

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tiếp tục chứng minh sự hấp dẫn khi ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018 đã liên tục chào đón 2 tên tuổi lớn gia nhập thị trường. Do đó, việc phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó có ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

Việc phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó có ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Nguồn: Internet
Việc phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó có ứng dụng thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Nguồn: Internet

Tiếp tục hấp dẫn

Sau một thời gian chuẩn bị thành lập liên doanh với Sonkimland để trở thành thương hiệu Hàn Quốc đầu tiên dấn thân vào "cuộc chiến" cửa hàng tiện lợi khốc liệt tại Việt Nam, GS 25 sẽ chính thức khai trương cửa hàng thứ nhất vào ngày 19/1 tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Hãng bán lẻ này không giấu tham vọng chinh phục thị trường khi đặt mục tiêu mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.

Cũng trong đầu tháng 1, sau cái "bắt tay" với Tập đoàn Xiaomi (Trung Quốc), Công ty CP Thế giới Số (Digiworld) đã mở cửa hàng Mi Store đầu tiên tại Việt Nam, nơi phân phối các sản phẩm của Xiaomi như điện thoại, vòng đeo tay sức khỏe, sạc pin dự phòng, đèn LED, máy hút bụi, nồi cơm điện, máy lọc nước… Dự kiến đến cuối năm 2018, Mi Store sẽ "phủ sóng" tại 15 thành phố lớn của Việt Nam.

Hai ví dụ trên là minh chứng cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục hấp dẫn khi trở thành sự lựa chọn của nhiều hãng bán lẻ lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2017 ước tính đạt gần 130 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài.

Không hề tỏ ra bất ngờ khi đón nhận thông tin thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục đón chào các "thành viên" mới, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thương mại - cho biết, cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại… còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ 90 triệu dân. Chưa kể, các doanh nghiệp bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều. Do đó, đây là phân khúc thị trường rất hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nguồn hàng tại chỗ của nước ta rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại. 

Giải pháp chiếm lĩnh thị trường

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tiếp tục gây sức ép cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, năm 2018, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, trong đó có một số xu hướng đáng chú ý. Cụ thể, báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chỉ rõ, năm 2017, ngành hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng 7%, gấp đôi khu vực thành thị.

Với ngành hàng bánh kẹo, trong khi khu vực thành thị một số nơi có mức tăng trưởng âm thì khu vực nông thôn lại có mức tăng 15%. Thậm chí, thị trường nông thôn trở thành thị trường chính của không ít các thương hiệu. Do đó, năm 2018 và những năm tiếp theo, khu vực nông thôn vẫn hấp dẫn các nhà sản xuất. Nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của kênh bán hàng truyền thống và phát triển mạng lưới phân phối tốt sẽ có nhiều khả năng chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.

Ông Vũ Vinh Phú cho hay, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều ưu tiên cho mua sắm trực tuyến. Do sử dụng thành thạo công nghệ, người tiêu dùng có xu hướng đặt hàng qua mạng hoặc dùng các ứng dụng di động để tìm kiếm các đơn hàng giá tốt, các đợt giảm giá, khuyến mại…

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng. Bên cạnh đó, đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách hàng. 

Theo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương gửi xin ý kiến các bộ, ngành, tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước tính đạt khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm.