Đầu tư tài chính: Điều nan giải với VNPT

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Kết quả rà soát cho thấy, giá trị thị trường của các khoản VNPT đầu tư đến thời điểm cuối năm 2012 bị giảm sút nhiều so với vốn đầu tư bỏ ra mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bị lỗ.

Đầu tư tài chính: Điều nan giải với VNPT
VNPT khó thoái vốn dù hiệu quả đầu tư hạn chế. Nguồn: internet
Lỗ chỏng gọng

Với tỷ trọng đầu tư tài chính chỉ 3,9% vốn chủ sở hữu (tính đến cuối năm 2012, theo Kiểm toán Nhà nước), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) không phải là DN Nhà nước (DNNN) đầu tư tài chính lớn. Tuy nhiên, với quy mô DN rất lớn, giá trị đầu tư tài chính tuyệt đối lên tới gần 2.838 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm chiếm khoảng 20,7% tổng vốn đầu tư tài chính, tương đương 0,86% vốn chủ sở hữu.

Nếu VNPT mong muốn dùng những khoản tài chính “dư thừa” để đầu tư vào các lĩnh vực khác nhằm tăng hiệu suất sử dụng vốn, hành động trên thực tế không cho thấy kết quả như mục tiêu ban đầu. Thu từ cổ tức, lợi nhuận trong năm 2012 của Tập đoàn chỉ có 105,1 tỷ đồng, đạt 3,7% tổng giá trị đầu tư. So với tỷ lệ chi trả bình quân lãi tiền gửi của các tổ chức tín dụng trong cùng năm khoảng 12,7%. Theo đánh giá của một chuyên gia đầu tư tài chính thì đồng tiền VNPT dùng để mua cơ hội sinh lời ngoài hoạt động chính cho kết quả đáng thất vọng.

Không rõ các quyết định đầu tư đã được tính toán ra sao, nhưng trong tổng số 82 DN được Công ty mẹ VNPT rót vốn thì chỉ có 35 đơn vị mang lãi về cho “mẹ”, còn lại, phần lớn các khoản đầu tư tại DN khác hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, xét trên cổ tức được chia.

Một ví dụ điển hình là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện (PTF), vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Quý IV/2010, do PTF bị lỗ nên không thể huy động được nguồn vốn từ thị trường để thanh toán các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động từ ngân hàng thương mại. Với định hướng là tiếp tục duy trì hoạt động của PTF trong mô hình của Tập đoàn, nên VNPT đã thực hiện gửi tiền gửi kỳ hạn 1 năm để tạo điều kiện cho công ty này duy trì thanh khoản. Số tiền gốc và lãi tổng cộng là gần 498 tỷ đồng, đến cuối năm 2012 VNPT chưa thu hồi được khoản này.

Đến 31/12/2012, PTF lỗ lũy kế trên 635 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu không những “bốc hơi” toàn bộ mà vẫn còn âm đến gần 127,5 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư vào PTF của VNPT đã không hiệu quả lại khó có triển vọng thu hồi được vốn.

Nhưng, PTF không phải là trường hợp duy nhất. Kết quả rà soát cho thấy, giá trị thị trường của các khoản VNPT đầu tư đến thời điểm cuối năm 2012 bị giảm sút nhiều so với vốn đầu tư bỏ ra mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN bị lỗ. Cụ thể, có 26 DN phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Tổng giá trị vốn đầu tư bị giảm sút và phải trích lập dự phòng là trên 335 tỷ đồng. Những đơn vị có tỷ lệ giá thị trường giảm so với vốn đầu tư cao là: Công ty cổ phần (CTCP) Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 giảm gần 66,6 tỷ đồng (52%); CTCP Hacisco 2 giảm trên 27,1 tỷ đồng (71%)…

“Bỏ của” không dễ

Theo lộ trình, đến năm 2015, VNPT sẽ thoái vốn tại 63 đơn vị với tổng giá trị vốn góp đầu tư trên 2.303 tỷ đồng. Năm 2012, VNPT đã thoái vốn tại 3 CTCP và giảm vốn góp tại 1 quỹ thành viên Vietcombank với tổng số vốn đầu tư giảm gần 162 tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2015, VNPT sẽ tiếp tục phải thoái vốn khỏi 29 đơn vị với giá trị vốn đầu tư trên 1.207 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đối với tiến trình “rũ áo ra đi” này khiến tiến độ thoái vốn còn gặp nhiều khó khăn.

Bởi hiện tại, Nhà nước chỉ quy định: việc thoái vốn đối với các khoản đầu tư tài chính phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường, hoặc không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của đơn vị có vốn góp. Thực hiện theo quy định này, VNPT rất khó thoái vốn và tái cơ cấu danh mục đầu tư. Dù đã mất nhiều thời gian, công sức cho việc này nhưng tiến trình vẫn chậm.

Khó khăn trong thoái vốn khỏi các danh mục có lỗ lũy kế khiến rào cản đang dựng lên ở các khoản VNPT đầu tư vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (VNPT sở hữu 30% vốn điều lệ, công ty lỗ lũy kế 53 tỷ đồng); CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (VNPT sở hữu 8,5% vốn điều lệ, công ty lỗ lũy kế đến cuối năm 2012 là 159 tỷ đồng); CTCP Dịch vụ kỹ thuật Viễn thông (VNPT sở hữu 33% vốn điều lệ, công ty lỗ lũy kế 26 tỷ đồng). Việc không được thoái vốn tại DN lỗ, mà VNPT không kiểm soát được, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vốn của Tập đoàn.

Hay việc thoái vốn tại Quỹ Đầu tư Việt Nam (BVM) cũng đang khá nan giải. Do đây là quỹ đóng, để thoái được vốn, VNPT phải tìm được người mua lại phần vốn, hoặc trong trường hợp BVM giải thể trước thời hạn. Nhưng trong tình trạng BVM hoạt động không hiệu quả (tại thời điểm cuối năm 2012, giá trị tài sản thuần của quỹ còn 65% mệnh giá), cũng như tình trạng chung của thị trường chứng khoán hiện nay không mấy sáng sủa, việc tìm được người mua để chuyển nhượng vốn của VNPT tại BVM không dễ. Với sở hữu 2% vốn điều lệ, Tập đoàn cũng không thể yêu cầu quỹ này giải thể trước thời hạn. Vì vậy, việc thoái vốn tại BVM mà vẫn bảo toàn vốn là khó thực hiện được.