Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Xây dựng

Theo nhandan.com.vn

Theo kế hoạch, trong năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 19 doanh nghiệp, gồm chín công ty mẹ tổng công ty, tám công ty con CPH cùng công ty mẹ và hai công ty con CPH riêng. Đến nay, công tác CPH các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, quá trình CPH vẫn còn nhiều vướng mắc, nếu không kịp thời tháo gỡ, sẽ khó có thể bảo đảm tiến độ đề ra.

Khó xác định giá trị doanh nghiệp

Tổng công ty Viglacera-CTCP là một trong những doanh nghiệp (DN) đạt được thành công bước đầu trong quá trình CPH. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Luyện Công Minh cho biết, quá trình triển khai CPH của đơn vị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Chẳng hạn, việc định giá tài sản thuộc hạ tầng khu công nghiệp do chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể, cho nên mất nhiều thời gian (khoảng sáu tháng) để giải trình và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, các địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức giải quyết việc xác định giá quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để kinh doanh nhà ở...

Theo lộ trình phê duyệt của Chính phủ, Tổng công ty đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư và các đối tác để giảm phần vốn sở hữu của nhà nước xuống còn 75% trong năm nay và 51% vào các năm tiếp theo.

Cùng chung nhận định, Tổng Giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn cho biết, Lilama đã hoàn thiện xong đề án CPH DN và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan điểm nhất quán của DN là nghiêm túc chấp hành chủ trương và coi đây là con đường tất yếu trong quá trình phát triển của DN. Vấn đề mấu chốt là xác định chính xác giá trị DN.

Thực tế, một số đơn vị trong Lilama làm ăn không hiệu quả, dẫn đến mất phần vốn nhà nước, hiện kinh doanh bằng vốn ảo, do vậy nếu không xác định chính xác giá trị sẽ khó đưa ra được phương án, kế hoạch phát triển DN.

DN cần sự minh bạch, rõ ràng sau CPH. Hiện nay, Lilama đang tích cực triển khai đề án tái cấu trúc để có thể tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với khoản vay khoảng 84 triệu USD, trong đó 80 triệu USD dành cho tái cấu trúc DN, số còn lại là thuê tư vấn.

Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng) Đặng Văn Long đánh giá, trong quá trình thực hiện CPH, nhiều DN gặp một số khó khăn vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ Xây dựng thực hiện CPH trong năm 2015 đều có quy mô lớn, tổng tài sản đều hơn 10 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước từ 1.000 đến 15 nghìn tỷ đồng, DN có nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà cửa, khu đô thị, khu công nghiệp, máy móc thiết bị xây dựng có giá trị cao, nhiều khoản đầu tư ngoài ngành... cho nên việc xác định giá trị DN để CPH rất phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và tốn nhiều thời gian.

Hơn nữa, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách trong CPH như: Việc định giá các khoản đầu tư chưa niêm yết, việc phân định sở hữu chung, riêng tại các dự án nhà ở, việc xử lý tài chính trước khi xác định giá trị DN, quy trình tìm kiếm cổ đông chiến lược... cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện CPH. Hơn nữa, tỷ lệ thoái vốn tại một số DN đạt thấp, mới đạt 25,2% kế hoạch đề ra.

Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tình hình thị trường chứng khoán thời gian qua phục hồi chậm, nhiều hàng hóa được chào bán, cổ phiếu trong lĩnh vực xây dựng không hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng về chủ quan, lãnh đạo một số DN chưa thật sự tập trung, rà soát, lập kế hoạch sát với thực tế để triển khai có hiệu quả việc thoái vốn.

Thực tế quá trình CPH các DNNN thuộc Bộ Xây dựng cũng bị gián đoạn mất khoảng ba năm khi Bộ thành lập hai tập đoàn. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn riêng trong quá trình CPH các DNNN thuộc Bộ Xây dựng là xử lý các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, nhất là một số dự án xi-măng.

Đơn cử là các dự án xi-măng Hạ Long của Tổng công ty Sông Đà, dự án xi-măng Sông Thao của Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD)... đều là những dự án đang gây áp lực tài chính rất lớn đến quá trình CPH của các đơn vị này. Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển giao hai dự án nêu trên cho Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem), đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi-măng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình chuyển giao liên quan các khoản vay trả nợ đầu tư của các dự án này, cũng như cách thức chuyển giao. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến quá trình sắp xếp, CPH DN của các đơn vị liên quan.

Tập trung nâng cao quản trị DN

Có thể thấy, các DN xây dựng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ CPH. Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn kỳ vọng, CPH sẽ nâng mức vốn chủ sở hữu của Tổng công ty lên 1.500 tỷ đồng theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song, đặc thù của ngành cơ khí cần nhiều vốn, trong khi đầu ra cho sản phẩm không thuận lợi.

Do vậy, CPH mới chỉ là bước đầu trong công cuộc tái cơ cấu DN, công tác quản trị DN mới mang tính quyết định và luôn được đặt lên hàng đầu. Trước hết, đó là sự thay đổi tư duy của một số lãnh đạo đơn vị làm ăn không chuyên nghiệp, từng bước áp dụng các phương pháp quản trị DN hiện đại dựa theo lộ trình tư vấn của đề án ADB. Thực tế, ngành cơ khí đặc thù như Lilama rất cần những chính sách hỗ trợ vì so với các nước trên thế giới, đầu tư cho cơ khí của Việt Nam vừa quá ít, vừa dàn trải.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP Luyện Công Minh cho biết, sau khi chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, Tổng công ty tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, từng bước đổi mới tư duy, nhất là ba vấn đề: Nguồn lao động, công nghệ và bộ máy tổ chức.

Trường cao đẳng nghề Viglacera đã ký hợp tác đào tạo nguồn lao động với Hội đồng kỹ năng nghề Proskills của Vương quốc Anh, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo ngành nghề thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng tích cực đổi mới công nghệ, cho ra đời các sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu thị trường; thành lập công ty thương mại chuyên lo đầu ra cho các sản phẩm, nhằm tránh chồng chéo, cạnh tranh nội bộ...

Để xử lý các dự án xi-măng thua lỗ, trong khi chờ quyết định cuối cùng từ Chính phủ, các đơn vị liên quan cũng đã tích cực lên phương án cho quá trình tái cơ cấu DN. Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Lương Quang Khải cho biết, mặc dù giá điện tăng 7%, các chi phí đầu vào cho sản xuất xi-măng đều tăng, nhưng sáu tháng đầu năm, sản lượng của Vicem tăng 5% so cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 709 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch đề ra.

Một số DN trước đây rất khó khăn, nay đã bắt đầu kinh doanh có lãi như: Xi-măng Vicem Hải Phòng, Tam Điệp... Vicem đã đẩy mạnh các biện pháp quản trị DN hiệu quả, ứng dụng khoa học - công nghệ, hằng năm cán bộ, công nhân viên Tổng công ty đóng góp 400 đến 500 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khoảng tám đề tài nghiên cứu được áp dụng thành công vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Vicem cũng đã đưa ra dự báo từ đầu năm về các khả năng biến động chi phí, như nguyên liệu đầu vào, tỷ giá, khả năng trả nợ,... để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho cả năm. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng) Đặng Văn Long, hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về công tác tái cơ cấu, CPH DN, đồng thời có nhiều văn bản, cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về tái cơ cấu, CPH theo đề án đã được phê duyệt, việc đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, người lao động DN trong công tác CPH, tái cơ cấu là rất quan trọng. Bộ Xây dựng đã quy định việc thực hiện kế hoạch CPH, tái cơ cấu là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo DN. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn các DN, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết những vướng mắc trong quá trình CPH, tái cơ cấu...