Đẩy mạnh thoái vốn theo thị trường

Theo Hà My/saigondautu.com.vn

2017 được coi là năm hoạt động khá thành công của Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đặc biệt, SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp (DN), giá trị thu được 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, chênh lệch bán vốn thu về 20.102 tỷ đồng.
Trong bán vốn, đáng chú ý là việc thoái vốn thành công 3,33% cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng giá vốn. Đây là nỗ lực rất lớn của SCIC, thu hút được dòng vốn ngoại lớn bổ sung vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình cổ phần hóa (CPH) và bán vốn nhà nước.
Vừa qua, khi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN giai đoạn 2011-2016, có người nêu ý kiến SCIC bán vốn được kết quả như vậy là tốt, bán được giá cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kết quả thoái vốn vừa qua vẫn có thể làm tốt hơn, gấp 2-3, thậm chí có thể bán gấp 5-6 lần. Nhưng theo tôi thoái vốn đúng theo thị trường, có lợi cho Nhà nước là việc khó.Điều quan trọng nhất trong thoái vốn phải công khai, minh bạch. 
Phóng viên: Năm 2017, ngoài những đợt thoái vốn đáng chú ý tại Vinamilk và Sabeco, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tốc độ thoái vốn còn diễn ra chậm, chủ yếu ở các DN nhỏ, thiếu bóng dáng DN lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Đẩy mạnh thoái vốn theo thị trường - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC
Ông Nguyễn Đức Chi: Các quyết định liên quan đến thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ ban hành đều chỉ rõ tên DN, thời hạn thực hiện và trách nhiệm người đứng đầu. Trước đây, các văn bản có đề cập nhưng tên DN, thời hạn không xác định rõ nên nhiều trường hợp bị chậm. Nhưng hiện nay, việc chậm là khó và ai cũng thấy trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Giai đoạn 2018-2020 có nhiều DNNN phải CPH, giảm tỷ lệ sở hữu, những DN đã CPH và DN nào phải bán hết cổ phần nhà nước cũng đã có danh mục. 
Về những ý kiến thời gian qua tốc độ CPH DNNN, thoái vốn chậm, tôi cho rằng những DN đưa ra thị trường sắp tới đều có quy mô lớn nên phải thận trọng, nếu không có thể dẫn đến thua thiệt lợi ích của Nhà nước. Chúng ta làm nhiều DN quy mô nhỏ, rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, từ đó khi làm ở các tập đoàn, tổng công ty lớn được tốt hơn, phù hợp hơn. Trước đây có thể việc CPH, thoái vốn loay hoay, chậm vì chưa có nhiều kinh nghiệm do việc xác định giá trị DN khó và cũng không thể bán lấy được.
Với SCIC, năm nay việc thoái vốn sẽ có DN nào đáng chú ý, thưa ông?
Cụ thể, trong tháng 1 này, SCIC sẽ trình việc thoái vốn năm 2018, trên cơ sở quy định của Quyết định 1001 của Thủ tướng (về phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020). Về cơ bản những DN đã chuẩn bị xong trong năm 2017 như Vinaconex, Nhựa Bình Minh, Domesco sẽ thực hiện.
Sở dĩ có DN chưa thực hiện được ngay vì theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng phải tính toán đầy đủ giá trị của DN như đất, sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Trước kia giá trị đất chúng tôi đã chủ động đưa vào tính giá trị, nhưng những vấn đề liên quan đến sở hữu, trí tuệ, thương hiệu… chưa cho vào, nay phải bổ sung và phải tiếp tục thuê tư vấn để xác định.
Còn hoạt động đầu tư của SCIC ra sao, thưa ông?
Với những dự án, DN hiệu quả SCIC đầu tư bình thường, còn với dự án, DN không hiệu quả SCIC kiên quyết không đầu tư. Riêng với DN tư nhân kinh doanh tốt chúng tôi vẫn có thể xem xét quyết định đầu tư nếu mang lại hiệu quả. Thí dụ, SCIC sẽ xem xét đầu tư vào trái phiếu nếu trái phiếu DN có bảo lãnh của ngân hàng. Đầu tư dù bằng cách nào cũng là đưa vốn vào để tăng tổng mức đầu tư của nền kinh tế.
Các cơ hội đầu tư khác nhau và phù hợp với SCIC đều được xem xét. Trong hơn 10 năm qua, nếu SCIC không đầu tư thêm 7.500 tỷ đồng vào các DN hiện hữu làm sao có Vinamilk, FPT Telecom, Traphaco. Chẳng hạn, khi SCIC tiếp nhận vốn nhà nước trong Vinamilk từ Bộ Công Thương, phần vốn đó chỉ có gần 800 tỷ đồng, còn hiện nay số vốn đó đã tăng lên. Với FPT Telecom cũng vậy.
Hay SCIC cũng đã góp vốn với CTCP Cơ điện lạnh (REE) để lập công ty và kinh doanh có hiệu quả, chia cổ tức cao. Nói những điều đó để nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư của SCIC đều xem xét trên cơ sở quy định của pháp luật và nếu hiệu quả sẽ xem xét đầu tư.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vừa được thành lập, theo ông liệu có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ với SCIC?
Chức năng nhiệm vụ của ủy ban này Chính phủ chưa ban hành nên tôi không biết sẽ ra sao. Tuy nhiên, ủy ban là cơ quan của Chính phủ, SCIC cũng là DN trực thuộc Chính phủ. Sau này, SCIC cũng có khả năng thuộc quản lý của ủy ban. Tôi cho rằng sẽ không có chuyện chức năng chồng chéo.
Chính phủ sẽ phân công nhiệm vụ hợp lý để đạt mục tiêu hiệu quả nhất đồng vốn nhà nước, DN, kinh doanh đầu tư vốn nhà nước tại DN. Ủy ban ra đời là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và SCIC phải đóng góp lớn nhất trong đó.
Ông có thể nói thêm về vấn đề lương thưởng tại SCIC hiện nay?
Về vấn đề lương thưởng, SCIC là DNNN nên những người làm ở đây hưởng theo DNNN. Điểm mới tại nghị định Chính phủ vừa ban hành là cơ chế lương của SCIC sẽ có sự ổn định nhằm thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể ra sao phải chờ hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng có thể hình dung lấy 3-5 năm trước đó để tính ra một quỹ lương sử dụng cho 2-3 năm tới, không phụ thuộc vào việc năm sau SCIC bán vốn 100.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng. Bởi lẽ nếu xây dựng quỹ lương tính theo doanh thu sẽ không hợp lý, vì có năm SCIC thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ thoái vốn nhiều nhưng có năm lại khác.
 SCIC đã có Quyết định 1001 của Thủ tướng, nghĩa là phải tuân theo kế hoạch giai đoạn 2018-2020 đã đề ra. SCCI cũng có trách nhiệm cân đối hài hòa để các năm 2018, 2019 và 2020 bán gì để nhà đầu tư, thị trường hấp thu tốt, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, của SCIC; đồng thời để những DN SCIC đã thoái vốn vẫn phát triển tốt.