Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

V. Trường

(Tài chính) Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2013 diễn ra chiều 26/4 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

TS. Nguyễn Đình Cung: Tiến trình cổ phần hóa DNNN thực hiện còn chậm. Nguồn: Internet
TS. Nguyễn Đình Cung: Tiến trình cổ phần hóa DNNN thực hiện còn chậm. Nguồn: Internet

Lạm phát năm nay sẽ khả thi hơn năm ngoái

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. “Chiều hướng chuyển biến kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2013 đạt được những kết quả rất tích cực và cho phép chúng ta có lòng tin hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái, khả thi hơn, tuy nhiên, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013, số 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra.

Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký trong 4 tháng đầu năm ước đạt 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm 2013 ước tăng 5%.

8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại

Theo Văn phòng Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 23.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 123,38 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, 8.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động. Tính chung 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 495.000 lao động, đạt 30,9% kế hoạch.

Về vấn đề thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thực hiện theo Quyết định số 339/QĐ/TTg,  tại buổi họp báo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là tạo hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, lâu dài, nhất là các ưu đãi về thuế và khuyến khích đầu tư. Ngoài ra, đề án cũng sẽ tập trung thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Theo ông Cung, việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả chính là một trong những điều cốt lõi của đề án tái cơ cấu. 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ đặt quyết tâm trong lúc kinh tế khó khăn, một mặt thực hiện đề án tái  cơ cấu, một mặt kiên quyết duy trì chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất định trong cái khó phải tìm giải pháp để làm được những công trình lớn, phục vụ lợi ích cho người dân. Làm sao có cơ chế tài chính để thực hiện các công trình đó, các bộ, ngành sẽ bàn, thông tin tuyên truyền để tiếp nhận trí tuệ, trách nhiệm của mọi người qua đó “gạn đục khơi trong” tìm ra giải pháp.

"Muốn vậy thì phải tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, xem xét việc bán bớt một phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết, cổ phần hóa nhanh hơn và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước nâng cao quản trị”, ông Cung khuyến nghị.