Để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn

Theo Thành Nam/daibieunhandan.vn

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã làm nên sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó.

Nhiều thuận lợi

Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân. Cùng với những điều chỉnh về nhận thức và cải thiện thể chế kinh tế thị trường, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế.

khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, mở rộng về quy mô và lan tỏa ngày càng sâu rộng về phạm vi lĩnh vực kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng hiện nay doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu động lực để phát triển. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng mới là động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Khi nói đến kinh tế thị trường chúng ta không thể không nói đến yếu tố cạnh tranh.

Năm 2016, trong báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam tăng 5 bậc từ 60/138 nền kinh tế lên thứ 55. Các chỉ số về chống độc quyền và bảo đảm cạnh tranh chỉ số của Việt Nam rất thấp. Chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 78/138 quốc gia, Chính sách chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138. Như vậy theo ông Hiếu, khái niệm cạnh tranh còn khá mới mẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chiếm 51% lực lượng lao động cả nước đóng góp khoảng 40% GDP và 30% ngân sách nhà nước, dù có sức vươn mạnh mẽ nhưng quy mô và nội lực của doanh nghiệp còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, năng lực quản trị chưa cao.

Theo TS. Võ Trí Thành, các rào cản với khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều. Chính phủ cơ bản mới giải quyết được một vấn đề đó là gia nhập thị trường nhưng còn nhiều vấn đề khác để doanh nghiệp thực sự phát triển là hợp đồng kinh doanh, chế tài kinh doanh và rút lui khỏi thị trường.

Với nhiều nỗ lực, chúng ta cơ bản mới xử lý một vấn đề đó là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn còn ở mức thấp nên doanh nghiệp Việt Nam khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực.

“Việt Nam có nhiều doanh nghiệp “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có mà chỉ có một số doanh nghiệp “tập lớn” như: FPT, Viettel, Vinamilk. Doanh nghiệp “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối” - ông Thành nhìn nhận.  

Tạo lập môi trường đầu tư cho kinh tế tư nhân

Theo nhiều chuyên gia, Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo kinh tế thị trường, cần có cơ chế khuyến khích thành lập của khu vực kinh tế tư nhân, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân đầu tư trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm, đồng thời mở rộng phạm vi tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong đó phát triển mạnh mẽ các thị trường, hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa trên cả nước, đẩy mạnh bảo vệ thị trường trong nước gắn với bảo vệ thị trường quốc tế.

Bà Hoàng Thị Tư, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng để phát triển doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Bảo đảm lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với giảm bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, tài chính đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các vấn đề tài chính phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp nên không thể trông chờ có ngay những giải pháp đồng bộ và chờ có giải pháp tài chính đồng bộ mới thực hiện mà nên triển khai những cơ chế và chính sách có thể giải quyết ngay những vướng mắc tài chính của kinh tế tư nhân với quan điểm là tạo ra những thuận lợi tài chính cao nhất có thể cho động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân này.