Để vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đạt hiệu quả cao

Hải An

(Tài chính) Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Dự án Luật có mục tiêu nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN trên cơ sở kế thừa những quy định dưới Luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện; đồng thời bổ sung thêm những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng

Pháp luật về quản lý nhà nước nói chung và quản lý hoạt động tài chính DN nhà nước (DNNN) nói riêng đang gồm nhiều nghị định, quyết định và chưa có Luật để điều chỉnh.

Trong thời gian qua, các quy định pháp luật trên đã góp phần giúp DNNN điều hành, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh; từng bước thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là cơ chế chính sách cho DNNN và hoạt động của DNNN cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Trong đó, việc quản lý vốn nhà nước vẫn còn nhiều lỗ hổng, trách nhiệm và quyền hạn của đại diện chủ sở hữu nhà nước, người quản lý DN chưa rõ dẫn đến nhiều trường hợp gây thất thoát, quản lý vốn nhà nước không hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật và khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một trong những mục tiêu được Chính phủ đặt ra khi xây dựng Luật này là khắc phục việc đầu tư vốn Nhà nước vào DN và việc DN sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Các quy định phải tuân thủ theo nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào DN.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu các DNNN nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý kinh tế.

Không có sự chồng chéo với các luật khác

Trước các ý kiến băn khoăn về mối quan hệ giữa Luật này với các Luật có liên quan như Luật DN, Luật Đầu tư công…, Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành rà soát các quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này phù hợp và không chồng chéo với các Luật khác.

Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đã phân tích rõ thêm. Theo đó, Luật Đầu tư là một khung pháp luật về đầu tư, chỉ bao gồm các quy định về quy trình, hồ sơ, thủ tục đầu tư... áp dụng thống nhất cho tất cả các nhà đầu tư và DN thuộc mọi thành phần kinh tế; Luật DN lại quy định các hình thái DN, tập trung điều chỉnh việc thành lập, mô hình tổ chức của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả DNNN. Luật DN quy định các vấn đề liên quan đến quản trị DN, nghĩa là quy định quyền hạn của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với quá trình ra quyết định của DN…

Tuy nhiên, Luật DN không giải quyết các vấn đề đặc thù của DNNN như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; phân công, phân cấp thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN...

Trong khi đó, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN mang tính chất đặc thù riêng. Luật sẽ quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào DN, quy định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và quy định giám sát hoạt động đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN.  Như vậy, theo ông Đặng Quyết Tiến, Luật này là nhằm hướng tới bảo vệ đồng vốn đầu tư của Nhà nước, cũng chính là bảo vệ đồng tiền của người dân tiết kiệm được giao cho Chính phủ đầu tư.

Về việc liệu Luật này có chồng chéo với Luật Đầu tư công hay không, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, ngay trước khi thực hiện soạn thảo Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo rõ, phần vốn đầu tư của DNNN đã tách ra và thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đầu tư và quản  lý vốn của Nhà nước đầu tư tại DN. Như vậy, dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn của nhà nước đầu tư tại DN không trùng lắp với dự án Luật Đầu tư công do Bộ này chủ trì soạn thảo.

Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào DN, Dự án Luật quy định Nhà nước có thể đầu tư vốn để thành lập DN mới với dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu cho xã hội; dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên; dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; dự án thuộc trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, tựu trung lại, Nhà nước sẽ đầu tư vào DN, vào những ngành mà các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không làm được.

Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN, Dự án Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào DNNN phải đảm bảo nguyên tắc đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào DN và công khai, minh bạch. Các DN này sẽ được đối xử bình đẳng như các DN khác, sẽ phải công khai thông tin. Mục tiêu là cố gắng giảm bớt những ưu đãi đối với DNNN, đưa về quản lý theo nguyên tắc thị trường, không áp dụng bất kỳ một ưu đãi nào, sau đó dần từng bước Nhà nước sẽ rút vốn khỏi các DN này.

Đối với những DN cung cấp sản phẩm công ích, tới đây Nhà nước muốn mua sản phẩm thì phải trả đúng, trả đủ chi phí cho DN theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng phân định và làm rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DNNN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý DN.

Dự án Luật có các quy định chi tiết việc phân phối lợi nhuận của DN đảm bảo lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động. Dự án Luật xác định nguyên tắc phân phối lợi nhuận của DN theo hướng: thu một phần lợi nhuận sau thuế của DN để đảm bảo lợi ích của Nhà nước từ việc đầu tư vốn vào DN; để lại DN một phần lợi nhuận sau thuế để DN sử dụng đầu tư phát triển DN; sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động tại DN. Tiền thu từ lợi nhuận sau thuế của DN được nộp về Quỹ tài chính tập trung của Nhà nước và do Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Giám sát hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN

Trước các ý kiến khác nhau về việc có nên đưa vào Luật hay không quy định về giám sát của Quốc hội đối với hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, theo Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội hiện hành thì “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, dù có hay không có quy định về giám sát của Quốc hội đối với hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN trong Luật thì Quốc hội với vai trò trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân vẫn có quyền giám sát tối cao.

Vấn đề trên cũng sẽ được đưa ra xin ý kiến chính thức của Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây.