Đề xuất về bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược

Theo baochinhphu.vn

Tại dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.

Thực tế trong thời gian qua, có doanh nghiệp cổ phần hóa không xác định cụ thể nhà đầu tư có tiềm năng (công nghệ, thị trường, vốn…) tham gia mua cổ phần nhưng vẫn phát triển tốt (như Sabeco...); một số doanh nghiệp chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, sẽ thực hiện bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp cũng dẫn đến dễ thất thoát vốn của Nhà nước và không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và thị trường trong quá trình cổ phần hóa.

Mặt khác, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP đã không còn quy định tỷ lệ khống chế số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược không vượt quá 50% số cổ phần bán ra bên ngoài).

Như vậy, các nhà đầu tư nếu cần mua cổ phần sẽ thực hiện tham gia đấu giá mà không cần phải tiến hành các thủ tục xây dựng tiêu chí lựa chọn, xây dựng các cam kết để trở thành nhà đầu tư chiến lược; sau khi mua cổ phần, nhà đầu tư sẽ căn cứ tỷ lệ vốn góp để tham gia quản trị doanh nghiệp theo điều lệ công ty cổ phần.

Để khắc phục những hạn chế trên, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như sau:

Quy định bổ sung tiêu chuẩn của Nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề kinh doanh chính với doanh nghiệp cổ phần hóa, có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần, phải có lãi và vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập, phải đảm bảo có đủ nguồn để mua số lượng cổ phần đăng ký mua.

Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên Sở giao dịch chứng khoán và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho nhà đầu tư chiến lược và bỏ quy định mức khống chế số lượng tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược tại mỗi doanh nghiệp).