Dịch vụ “bù” tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Chính vì thu từ lãi huy động tín dụng giảm nên tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng lại tăng lên. Đơn cử, trong số các tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo tài chính quý III, có đến 8 ngân hàng công bố có mức tăng tuyệt đối về lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của mình cao hơn so với những năm trước đó.

 Dịch vụ “bù” tín dụng
Chính vì thu từ lãi huy động tín dụng giảm nên tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng lại tăng lên. Nguồn: internet
Khi lĩnh vực tín dụng cũng như các hoạt động kinh doanh truyền thống sa sút, các ngân hàng một lần nữa trông đợi nhiều vào nguồn thu từ mảng dịch vụ. Xu hướng này diễn ra khá rõ nét ở các tổ chức tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh, khi những đơn vị này đều cho biết đã dành rất nhiều vốn và nhân lực để đầu tư trở thành ngân hàng bán lẻ. Kết quả, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, mảng khách hàng cá nhân tính đến cuối tháng 10 đã khởi sắc tăng đến 22% so với cuối năm 2012, tăng nhanh hơn nhiều so với các năm trước.

Số liệu này cũng được thể hiện khá chi tiết trong báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng thương mại. Qua báo cáo, trừ các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, phần lớn thu nhập thuần từ tín dụng trong 9 tháng đầu năm của các ngân hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chính vì thu từ lãi huy động tín dụng giảm nên tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng lại tăng lên. Đơn cử, trong số các tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo tài chính quý III, có đến 8 ngân hàng công bố có mức tăng tuyệt đối về lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của mình cao hơn so với những năm trước đó.

Trong đó, 3 ngân hàng thương mại Nhà nước công bố con số thu lãi từ dịch vụ rất cao, gồm: BIDV với 1.791 tỷ đồng, Vietcombank với 1.179 tỷ đồng, VietinBank với 1.092 tỷ đồng. Về phần mình, các ngân hàng thương mạiCP cũng cho biết, họ đang bước đầu thu lãi lớn từ dịch vụ như Sacombank với 774 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ mảng dịch vụ, MB với 603 tỷ đồng và ACB với 563 tỷ đồng. Mới đây, VPBank thể hiện con số rất tích cực khi cho biết, đơn vị này có nguồn thu từ dịch vụ chiếm hơn 50% lợi nhuận trước thuế…

Cùng quan điểm này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn, tỷ trọng thu lãi của ngân hàng buộc phải thay đổi. Nếu như trước đây, các ngân hàng dành 70% thu lãi ở mảng tín dụng thì nay tỷ trọng này được điều chỉnh sao cho phù hợp với thị trường. Bởi ngoài việc khó cho vay mới thì việc thu hồi nợ hiện cũng không khá hơn. Do vậy, mỗi ngân hàng đều phải tính cho mình cách tính lãi sao cho hiệu quả nhất.

Ví dụ, bản thân Eximbank, sau thời gian tái cơ cấu, ngân hàng đang có những bảng kê tích cực từ các hoạt động dịch vụ, dù tỷ trọng thu lãi từ dịch vụ tại ngân hàng chưa cao. Song xác định nguồn thu từ mảng dịch vụ đang còn rất nhiều tiềm năng. Chẳng hạn, thu từ dịch vụ phát hành tín dụng thư (L/C), thanh toán quốc tế, chuyển tiền… đối với doanh nghiệp và các loại phí cho thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế, hay chuyển tiền… đối với các khách hàng cá nhân. Do vậy, từ đầu năm 2014, theo ông Dũng, không chỉ Eximbank mà các ngân hàng khác cũng bắt đầu cạnh tranh nhau từng chút một.

Tuy nhiên, nếu quan sát, cũng dễ thấy việc thu lãi từ dịch vụ mới chỉ có được ở những ngân hàng lớn chứ bản thân các ngân hàng nhỏ thì mảng này có nguồn thu rất thấp, thậm chí vẫn còn bị lỗ. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank nói rằng, hiện nay, chỉ có những ngân hàng lớn đã đầu tư từ lâu mới thu lãi được từ hoạt động dịch vụ. Còn đối với những ngân hàng nhỏ nguồn thu chính của họ vẫn phải trông đợi từ hoạt động tín dụng. Lãnh đạo KienLong Bank cũng cho biết, dù mức lỗ trong mảng tín dụng đã giảm nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này vẫn đang còn 283 triệu đồng.

Lý giải điều này, lãnh đạo KienlongBank nói rằng, trong thời điểm tăng trưởng tín dụng khách hàng doanh nghiệp èo uột, các ngân hàng thương mại buộc phải tập trung vào khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, chính sự dịch chuyển sang lĩnh vực bán lẻ của các ngân hàng thương mại trong nước cũng chỉ là giải pháp tình thế và bị động. “Phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước có ít kinh nghiệm về bán lẻ; trong khi đó, một sản phẩm ngân hàng thường phải mất từ một đến hai năm để chứng minh sự hiệu quả. Nay các ngân hàng nhỏ mới manh nha đầu tư nên thu không bù chi là chuyện đương nhiên”, vị này nói.

Quả vậy, nói về quan điểm tăng thu từ dịch vụ, Ngân hàng Nhà nước cũng không có chủ trương hạn chế phát triển mảng kinh doanh này, nhưng theo một chuyên gia, các ngân hàng thương mại cần thận trọng, thẩm định kỹ càng hơn khi đẩy mạnh tín dụng cá nhân. Trong đó, chú ý mảng thẻ thanh toán, vì nợ xấu ở lĩnh vực thẻ thanh toán đang tăng khá nhanh.

Tương tự, một đại diện của ngân hàng ANZ nói rằng, các ngân hàng thương mại trong nước có lợi thế rất nhiều trong việc phát triển hệ thống bán lẻ. Nhưng muốn tận dụng được những lợi thế am hiểu địa phương và mạng lưới so với các ngân hàng nước ngoài để phát triển lĩnh vực bán lẻ, các ngân hàng thương mại trong nước cần xác định rõ được chiến lược kinh doanh và chuyển đổi mình về quản trị, công nghệ ngân hàng... chứ không thể nói chuyển là chuyển sang ngay được.

Nói chung, đây là lĩnh vực còn tiềm năng, nhất là thành phố, có tiềm năng rất lớn nhờ dân số trẻ chiếm phần lớn, sức mua lớn… nhưng cũng còn không ít rủi ro do vấn đề quản lý thông tin cá nhân còn lỏng lẻo mà các ngân hàng phải cân nhắc.