Diện mạo mới cho SCIC

PV.

(Tài chính) “Tiếp thêm động lực mới để tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả quản lý vốn, tài sản Nhà nước” – là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế về hành lang pháp lý mới, vừa được Chính phủ ban hành, áp dụng cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Sau gần 8 năm doạt động, SCIC đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 DN. Nguồn: internet
Sau gần 8 năm doạt động, SCIC đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 DN. Nguồn: internet
Bảo toàn vốn nhà nước

Ra đời từ năm 2006, đến nay sau gần 8 năm hoạt động, SCIC đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 DN; thực hiện thoái vốn tại khoảng 600 DN với giá trị thu hồi đạt tỷ lệ trung bình gấp 2 lần so với giá trị sổ sách, thu về cho Nhà nước gần 4.000 tỷ đồng. Điều này là minh chứng sinh động cho thấy thông qua sự quản lý của SCIC, đồng vốn Nhà nước đã được bảo toàn và gia tăng đáng kể về giá trị…

Bên cạnh đó, SCIC đã trực tiếp thực hiện đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa thành công 22 công ty TNHH 100% vốn Nhà nước tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương trong tổng số 26 công ty TNHH đã tiếp nhận. Đồng thời, SCIC cũng đã bàn giao lại cho các bộ, địa phương và hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại trên 350 DN cổ phần. Theo lộ trình đến năm 2015, dự kiến SCIC chỉ nắm giữ vốn tại khoảng 100 DN.

Theo ông Nguyễn Duy Long – Cục Tài chình DN (Bộ Tài chính), “phương thức quản lý vốn theo cơ chế SCIC là đại diện chủ sở hữu, tình hình kinh doanh, hiệu quả hoạt động và tài chính của các DN được cải thiện rõ rệt. Vốn Nhà nước tại DN đã được quản lý tập trung và hiệu quả hơn”.

Cũng theo nhận định của ông Nguyễn Duy Long, với vai trò đại diện chủ sở hữu, SCIC đã thực hiện được việc tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của DN, chuyển hình thức quản lý vốn Nhà nước sang hình thức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước. Các bộ, địa phương tập trung vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với DN. Lợi ích của DN, lợi ích của cổ đông trong đó có cổ đông nhà nước và lợi ích của người lao động được giải quyết hài hoà.

Nâng cao hiệu quản lý

Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN, đồng thời tạo lực đẩy mới cho quá trình tái cơ cấu DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC.

Theo đó, nguyên tắc và cơ chế cho hoạt động bán vốn theo hướng bảo toàn, phát triển vốn; công khai minh bạch; Xác định rõ việc bán vốn nhà nước SCIC tiếp nhận tại các DNNN không cần nắm giữ vốn không phải là việc chào bán chứng khoán ra công chúng, cũng như không coi là việc bán vốn của cổ đông sáng lập mà nhằm mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa, thu hồi vốn nhà nước...

Nhằm bảo toàn vốn, tài sản và đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước, Chính phủ trao cho SCIC cơ chế bán vốn đặc thù như được thực hiện đấu giá bán cả lô cổ phần sau khi hội đồng thành viên phê duyệt. Đồng thời, “khoác tấm áo” cho SCIC là được đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ quyền chi phối, trọng yếu; đầu tư bổ sung vốn vào các DN có vốn của SCIC. SCIC phải dành tối thiểu 70% tổng mức vốn đầu tư để thực hiện các hoạt động đầu tư trên, còn lại 30%, SCIC chủ động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Sau gần 8 năm doạt động, SCIC đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 950 DN; thực hiện thoái vốn tại khoảng 600 DN với giá trị thu hồi đạt tỷ lệ trung bình gấp 2 lần so với giá trị sổ sách, thu về cho nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11 - 2013