Điều gì xảy ra khi Vinashin thoát xác thành SBIC?

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) xúc tiến các thủ tục cuối cùng để SBIC được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh, nhằm dự kiến đưa SBIC đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2014.

Điều gì xảy ra khi Vinashin thoát xác thành SBIC?
Ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo việc chuyển Vinashin thành SBIC. Nguồn: internet
Điều này đồng nghĩa với việc cùng thời gian này, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin chính thức ngừng hoạt động, cũng là chính thức khép lại việc thí điểm thành lập Tập đoàn Vinashin.

Tổng công ty SBIC gồm công ty mẹ và 8 công ty con với 60 đơn vị thành viên ở dưới (các công ty con này). 

Trước đó, ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên.

Theo đó, từ một doanh nghiệp (DN) thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…

Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi..

SBIC cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.

Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỉ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỉ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỉ đồng.

Cụ thể, Bộ trưởng Thăng cho biết, đối với các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, đến nay Vinashin, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu đợt 1. Theo đó, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi được 13.152 tỉ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm.

Với khoản nợ 600 triệu USD vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Theo đó, tổng mệnh giá phát hành tính đến ngày 10/10 vừa qua là là 626,8 triệu USD (gồm cả gốc và lãi), tương đương 13.163 tỷ đồng, lãi suất đơn là 1% mỗi năm. Với thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ một lần vào ngày đáo hạn năm 2025.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, với phương án này quy về giá trị hiện tại thuần tương đương 48% nợ gốc, giảm 25% so với việc phải thanh toán ngay toàn bộ nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu.

Ông Thăng khẳng định sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của tập đoàn này cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được tập đoàn thực hiện mua lại nợ.

Số nợ còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025. Theo tính toán, tổng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ của tập đoàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, với động thái này Vinashin thực sự đã “thoát xác” một cách ngoạn mục.