DN kinh doanh bảo hiểm hưu trí phải có ít nhất 1.000 tỷ đồng

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là quy định tại Thông tư 115/2013/TT-BTC ngày 20/8/2013 “Hướng dẫn bảo hiểm hưu trí (BHHT) và Quỹ hưu trí tự nguyện” có hiệu lực từ 15/10, áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm BHHT. Theo đó, một trong các điều kiện tiên quyết để DN được phép kinh doanh loại hình BHHT là phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng và có khả năng thanh toán cao hơn tối thiểu 300 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mới có 6/15 DN bảo hiểm nhân thọ đủ điều kiện kinh doanh BHHT
 
Theo quy định tại thông tư hướng dẫn, để đáp ứng đủ điều kiên triển khai sản phẩm BHHT, DN bảo hiểm phải có vốn chủ sở hữu thấp nhất là 1.000 tỷ đồng, biên khả năng thanh toán cao hơn tối thiểu 300 tỷ đồng. Sản phẩm BHHT phải được thiết kế nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động (60 đối với nam, nữ 55 tuổi); quyền lợi BHHT được thanh toán theo hai hình thức là, định kỳ và hưởng khi rủi ro. Sau khi thiết kế các sản phẩm bảo hiểm hưu trí cụ thể, DN bảo hiểm còn phải trình Bộ Tài chính xem xét phê chuẩn mới được triển khai áp dụng.
 
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính cho biết, quyền lợi bảo hiểm cơ bản của sản phẩm BHHT sẽ được chi trả định kỳ đến khi người được hưởng bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu là 15 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do DN bảo hiểm và người mua thảo hiểm thỏa thuận. Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm còn được tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, với mức lãi suất không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, DN bảo hiểm phải chi trả ngay cho người tham gia nếu bị tử vong (bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không) các khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng theo đúng số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài các quyền lợi bảo hiểm cơ bản, sản phẩm BHHT còn có quyền lợi bảo hiểm bổ trợ như: quyền được điều chỉnh mức quyền lợi hưu trí định kỳ; quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp; quyền lợi chăm sóc y tế; quyền hỗ trợ nằm viện; quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc; quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
 
Theo thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, so với những quy định tại Thông tư 115 có hiệu lực từ 15/10 tới đây, hiện tại trong tổng số 15 DN bảo hiểm nhân thọ mới có 6 DN đủ điều kiện triển khai kinh doanh loại hình sản phẩm BHHT, đó là Công ty TNHH Prudential Việt Nam, Bảo hiểm nhân thọ, Manulife, AIA Việt Nam, DaiIchi Việt Nam, PVI sunlife. Các bảo hiểm DN này đã bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm BHHT và dự kiến sẽ trình lên Bộ Tài chính ngay trong những ngày đầu khi thông tư có hiệu lực. 9 DN bảo hiểm nhân thọ còn lại chưa thể tham gia chia phần “chiếc bánh” BHHT do chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu. Như vậy, các DN này sẽ không được phép giới thiệu, chào bán các sản phẩm BHHT cũng như các sản phẩm có tên thương mại là BHHT hoặc các tên gọi khác gây hiểu lầm cho khách hàng.
 
Không được dùng quỹ hưu trí đầu tư bất động sản, vàng bạc, kim loại quý, đá quý
 
Ngoài các quy định về điều kiện kinh doanh BHHT, các DN bảo hiểm phải chấp hành quy định thiết lập và quản lý quỹ hưu trí tự nguyện với mức tối thiểu có 200 tỷ đồng tại quỹ. Trên cơ sở quỹ đó, DN được quản lý, sử dụng vốn để đầu tư phù hợp với quy định về chế độ tài chính áp dụng đối với DN bảo hiểm nhân thọ. Tài sản của quỹ sẽ bao gồm: tài sản hình thành từ nguồn phí bảo hiểm, nguồn đóng góp của DN bảo hiểm nhân thọ và tài sản hình thành từ lợi nhuận đầu tư từ các nguồn đóng góp đó; toàn bộ tài sản của quỹ thuộc về người tham gia bảo hiểm.

Đặc biệt, DN bảo hiểm nhân thọ không được sử dụng tài sản của quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện để chi trả các khoản tiền phạt vi phạm pháp luật, các khoản nợ, giao dịch không liên quan đến quỹ hưu trí tự nguyện. sản của quỹ hưu trí tự nguyện sẽ không được trực tiếp đầu tư vào bất động sản, vàng, bạc, kim loại quý, đá quý; không được đầu tư vào cổ phiếu các công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. 
 
Để đảm bảo mức an toàn, hiệu quả đầu tư của quỹ, Bộ tài chính đã quy định cụ thể danh mục và hạn mức đầu tư tài sản của quỹ. Theo đó, DN bảo hiểm được phép gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế, nhưng không quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ vào một tổ chức tín dụng; mua trái phiếu chính phủ không hạn chế, nhưng không thấp hơn mức 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ; mua trái phiếu DN có bảo lãnh chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương không được phép vượt quá 25% giá trị tài sản đầu tư của quỹ.

Còn trái phiếu của DN không có bảo lãnh, góp vốn vào các DN khác tối đa không quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ. Riêng việc đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một DN, trái phiếu DN thì không được vượt quá 5% khối lượng mỗi lần phát hành và không vượt quá 5% tổng giá trị đầu tư của quỹ.