Doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2017 và triển vọng năm 2018

Theo Kim Hiền/kinhtevadubao.vn

Theo Ban Thông tin Doanh nghiệp và Thị trường, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù còn gặp phải nhiều khó khăn trong năm 2017, những các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên phát triển và lớn mạnh. Năm 2018 sẽ là năm doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thâm nhập vào thị trường thế giới.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ bước đầu đã phát huy tác dụng. Nguồn: Internet
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ bước đầu đã phát huy tác dụng. Nguồn: Internet

Từ những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh

Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2017 và triển vọng năm 2018 của Ban Thông tin Doanh nghiệp và Thị trường, kể từ đầu năm 2017 đến nay, Chính phủ đã nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang trở thành mục tiêu chính trong những tháng cuối năm 2017.

Theo đó, các bộ, ngành tiếp tục rà soát để loại bỏ những thủ tục, điều kiện doanh bất hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (khoảng 55% số điều kiện kinh doanh hiện có do Bộ Công Thương ban hành).

"Đây là một bước đi đúng đắn và cần thiết để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm dần tiến tới loại bỏ các hệ lụy do điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây ra đối với doanh nghiệp, gồm: (1) Cản trợ hoạt động đầu tư và gia nhập thị trường; (2) tạo lợi thế độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước; (3) cản trợ sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; (4) tăng chi phí của doanh nghiệp; (5) tăng rủi ro chính sách cho doanh nghiệp; và (6) điều kiện kinh doanh không rõ ràng gây ra chi phí không chính thức lớn cho doanh nghiệp", báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, báo cáo còn cho biết, những nỗ lực và hành động quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh kể từ khi ban hành Nghị quyết 19 đến nay tiếp tục thu được những kết quả đáng khích lệ.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business 2018), Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc nhất trong vòng thập niên qua, tăng 14 bậc so với năm trước và  hiện đứng thứ 68 trong số 190 nền kinh tế về thuận lợi kinh doanh.

Không chỉ vậy, những chính sách về lãi suất, cũng như giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tính dụng tương đối ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, biểu hiện tăng trưởng tín dụng diễn ra từ đầu năm và đạt mức cao. Hiện, lãi suất cho vay vẫn phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong 2 tháng gần đây sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm 0,5% lãi suất từ nay đến cuối năm, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 22% thì mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm nhẹ.

“Các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh từ 0,5-1%/ năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/ năm”, báo cáo cho biết.

Về chi phí sản xuất kinh doanh, báo cáo đánh giá là ổn định, có 68,7% số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất quý III/2017 tương đương quý trước và 72% doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định trong quý IV/2017. Tỷ lệ này tang so với mức tương ứng 67,4% và 71,8% theo kết quả khảo sát cùng kỳ năm 2016.

Một số nhân tố mới trực tiếp giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian tới, như: phương thức vận chuyển mới bằng đường sắt đối với các mặt hàng đông lạnh như trái cây, thủy hải sản và thực phẩm mới được vận hành.

Ước tính mỗi container hàng lạnh vận chuyển bằng đường sắt giảm được 15 triệu so với đường bộ tương đương khoảng 20% giá cước. Tuyến hàng hóa này được kỳ vọng là cơ hội mới để giảm giá cước, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong nội địa Việt Nam và sang Trung Quốc.

Đến những tín hiệu tích cực của doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2017

Sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp là bằng chứng cụ thể nhất chứng minh môi trường kinh doanh đã được cải thiện.

Theo báo cáo, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam các quý đầu năm 2017 tương đối khả quan. Tính đến hết ngày 31/10/2017, có 641/726 doanh nghiệp đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2017. Trong đó, 578 doanh nghiệp có lãi trong quý III/2017 và có 266 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng so với kỳ trước, 308 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy xu hướng tương tự trong quý III/2017.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước là 41,5%, tăng hơn so với tỷ lệ 38,8% của cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn là 17,9%, giảm so với mức 19,7% cùng kỳ năm trước và 40,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, tăng so với tỷ lệ này ở mức 48,8% cùng kỳ năm trước; 11% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn, giảm so với mức 14,4% cùng kỳ năm trước và 36,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Một tín hiệu khác cũng được báo cáo đưa ra, đó là số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tuy vẫn chiếm tỷ lệ lớn song đang trong xu hướng giảm dần theo quý. Tỷ lệ các doanh nghiệp đang dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý III xuống mức thấp nhất 38%, giảm mạnh so với mức 48% của quý II và 67% của quý I/2017. Tính chung 10 tháng năm 2017, tỷ lệ này đang chiếm xấp xỉ 50% (Biểu đồ).

Biểu đồ: Tỷ lệ doanh nghiệp đang dừng sản xuất, kinh doanh so với số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động
Doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2017 và triển vọng năm 2018 - Ảnh 1

“Điều này cho thấy những cải thiện và triển vọng tích cực từ môi trường kinh doanh giúp cho tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập mới và quy trở lại hoạt động trên thị trường gia tăng”, báo cáo đánh giá.

Tuy vậy, báo cáo vẫn còn một số lo ngại về việc tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký giảm so cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, tính đến hết tháng 10 năm 2017, cả nước có thêm 105.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.021.920 tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái (so với mức  tăng 16,2% về doanh nghiệp đăng ký mới và vốn tăng 48,1% trong 10 tháng đầu năm 2016). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính đến hết tháng 10 năm 2017 là 22.765 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn tỷ lệ 24,1% của cùng kỳ năm trước).

Triển vọng doanh nghiệp năm 2018

Đánh giá tình hình doanh nghiệp năm 2017, báo cáo cho biết, năm 2017, mặc dù còn gặp phải nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên phát triển và lớn mạnh. Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để phù hợp với mức độ cạnh tranh tăng lên.

Theo đó, về triển vọng doanh nghiệp năm 2018, báo cáo cho biết, năm 2018 sẽ là năm doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thâm nhập vào thị trường thế giới.

Trong đó, xu thế hội nhập và quyết tâm mở rộng thị trường xuất khẩu đang nổi bật trong một vài năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển vào năm sau; Cổ phần hóa doanh nghiệp và phát triển khu vực tư nhân sẽ là các động lực giúp tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới; Tiến trình minh bạch hóa thông tin đang dần trở nên rõ nét và các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển các chiến lược quản trị tiên tiến phù hợp với bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu.

Đối với cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện với việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách thu hút đầu tư sẽ được tập trung vào các ngành trọng điểm và vùng, miền khó khăn. Đặc biệt, chính sách thu hút FDI sẽ theo hướng tập trung vào các khu vực doanh nghiệp nội địa không có lợi thế đầu tư phát triển.

Mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ gia tăng do việc mở cửa thị trường thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định FTA khác. Đặc biệt, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ sẽ ngày càng tăng với sự hiện diện lớn hơn của các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..

Về lãi suất, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách ổn định lãi suất nhằm tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Đối với tỷ giá, báo cáo cho biết, tỷ giá có thể ảnh hưởng trong thời gian tới như nhu cầu của doanh nghiệp tăng để trả nợ vay ngoại tệ, nhập siêu, lượng kiều hối giảm và các yếu tố chính trị trên thế giới. Tuy nhiên với mức dự trữ ngoại hối quốc gia hiện lên tới 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016, cộng với nguồn vốn FDI tăng mạnh và cán cân thâm hụt thương mại đang dần cải thiện thì khả năng biến động mạnh tỷ giá USD/VND ít có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lo ngại, một số thách thức từ các chính sách mới sắp thực thi sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể như quyết định lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng thêm 6,5%, bằng một nửa so với mức đề xuất ban đầu là 13,3%, điều này có thể sẽ gây thêm khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, do tăng thêm chi phí đầu vào và việc tiền lương tăng nhiều hơn so với mức tăng tương ứng của GDP và năng suất lao động.