Doanh nghiệp bán lẻ vấp tâm lý "sính ngoại"

Theo thoibaonganhang.vn

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền thừa nhận, thương mại trong nước đã được quan tâm hơn, chủ trương phát triển kênh phân phối và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước đã rõ, nhưng “mới hỗ trợ về tinh thần, còn hỗ trợ về chính sách chưa nhiều, chính sách quản lý và phát triển dạng thức này còn rất thiếu”.

Doanh nghiệp bán lẻ vấp tâm lý "sính ngoại"
Các phiên chợ hàng Việt Nam tại các khu công nghiệp thu hút rất đông khách hàng. Nguồn: thoibaonganhang.vn

Khi xuất khẩu khó khăn, nhiều DN mới chợt thấy đã bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng mà DN nước ngoài đã hướng đến. Khắp các mặt phố đâu đâu cũng thấy các cửa hàng bán mua, khiến cả thành phố như một đại trung tâm mua sắm, nhưng chuỗi sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng vẫn đứt khúc. DN bán lẻ nước ngoài thì có được những vị trí đắc địa còn DN bán lẻ trong nước chật vật vài năm không thuê được mặt bằng… Đó là những bất cập của hệ thống bán buôn bán lẻ nội địa.

Nhiệt huyết tiên phong biến thành uể oải

“Hà Nội cứ như một cái chợ khổng lồ, với nhan nhản các cửa hàng bán lẻ có ở khắp nơi, từ phố to đến ngõ nhỏ. Các cửa hàng toàn bán những thứ na ná như nhau. Như 1 chai nước Lavie cùng dung lượng, 2 cửa hàng ngay cạnh nhau đã có 2 giá bán khác nhau”, anh Glen Wallan đến từ Úc nhận xét.

Theo anh Glen Wallan, 10 năm qua, diện mạo thương mại Hà Nội nói riêng và ở các trung tâm tỉnh nói chung đã “văn minh hơn” với sự xuất hiện nhiều hơn những siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Song, Glen Wallan vẫn khẳng định: “còn xa mới ra hiện đại”.

Glen đã nhận ra như vậy sau gần 20 năm sống ở Việt Nam, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt và đi chợ Việt. Anh Glen đã chỉ ra sự manh mún, thiếu liên kết, tự tạo ra áp lực cạnh tranh lẫn nhau và khoảng trống đầu tư chiến lược trong ngành bán buôn bán lẻ ở Việt Nam.

Với kỳ vọng “văn minh, hiện đại, quy mô lớn”, Công ty Hiway Việt Nam đang ấp ủ chiến lược xây dựng chuỗi đại siêu thị, nhưng mới xong 1 siêu thị ở quận Hà Đông (Hà Nội), dự án siêu thị thứ hai và thứ ba đang “mắc”. “Đến hôm nay chúng tôi thấy quá khó khăn, chủ trương, chính sách hỗ trợ vẫn chỉ ở trên giấy. Quả thật chúng tôi nản quá”, anh Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hiway phát biểu.

Không chỉ DN trẻ như Hiway kêu nản. Những DN lão làng trong ngành bán buôn, bán lẻ như Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội), Intimex… cũng gặp không ít khó khăn. Cánh cửa hội nhập mở rộng đã cuốn vào hàng loạt các tập đoàn bán lẻ mạnh hàng trường vốn của nước ngoài, đẩy DN Việt Nam vào góc khó.

Tâm lý “sính ngoại” của chính quyền các địa phương khi họ sẵn sàng “duyệt” cho DN nước ngoài những vị trí đắc địa đã “vô tình” chèn ép DN bán buôn bán lẻ Việt Nam. “Thuê lại thì lúc nào cũng được chứ còn chờ lập dự án đầu tư mới để được giao đất thì còn lâu”, anh Sơn nhấn mạnh.

Với Hapro cũng vậy, sở hữu rất nhiều địa điểm bán lẻ nhỏ ở Hà Nội, nhưng cũng rất vất vả nếu muốn đầu tư một trung tâm lớn. Ngay cả muốn đầu tư vào các địa điểm bán lẻ hiện đại ở các huyện cũng vấp chuyện mặt bằng. Bên cạnh đó là hàng loạt các khó khăn về nguồn hàng, thông tin và sự liên kết giữa các DN mà tự các DN không thể quy tụ được, cho dù rất muốn.

Chủ trương, tinh thần lúc nào cũng sẵn chỉ chính sách là thiếu

Chủ trương, mục tiêu của Việt Nam là đưa ngành bán buôn, bán lẻ phát triển, đóng góp từ 18-20% GDP, hiện nay tỷ trọng này mới đạt 13-14% GDP. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, DN cho rằng, đường đi còn vấp lắm. Trước tiên, đó là “DN muốn làm thì phải xin”, bởi quy hoạch, chiến lược không rõ ràng, như ông Hoàng Thọ Xuân – nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chỉ ra.

Ông cho rằng, nếu đã có một quy hoạch phát triển thương mại gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rõ ràng, minh bạch thì DN cứ theo đó đầu tư, theo các vị trí được quy hoạch cho xây chợ, xây trung tâm thương mại. Hiện nay, siêu thị làm ở đâu, mở cửa hàng ở chỗ nào, hoàn toàn do DN tự lo.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền cũng thừa nhận, thương mại trong nước đã được quan tâm hơn, chủ trương phát triển kênh phân phối và hỗ trợ các DN trong nước đã rõ, nhưng “mới hỗ trợ về tinh thần, còn hỗ trợ về chính sách chưa nhiều, chính sách quản lý và phát triển dạng thức này còn rất thiếu”.

Theo Vụ Thị trường và Bộ Công Thương, cần phải có quy hoạch và một thông tư liên ngành về vấn đề này. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần khắc phục khiếm khuyết là đất công cộng dành cho dịch vụ thương mại quá ít.

PGS., TS. Lê Trịnh Minh Châu – chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, quan trọng hơn là vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý Nhà nước, bởi tự thân các DN bán buôn bán lẻ, cho dù có nhìn thấy việc phải làm cũng không thể tự làm. Cùng với đó là việc tạo chuỗi cung ứng liên kết vùng, tạo nguồn cung hàng đảm bảo chất lượng và hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay, trở thành các đại lý bán hàng chuyên nghiệp cho các DN.

Bà Châu bổ sung, DN bán buôn bán lẻ Việt Nam đang rất yếu về quản trị, đặc biệt là quản trị chuỗi kinh doanh và quản trị dự trữ mặt hàng. Lợi nhuận trên mỗi mặt hàng rất nhỏ nhưng lại rất nhiều chủng loại, vì vậy nếu quản trị không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN, ảnh hưởng đến mục tiêu bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó phải khắc phục những xung đột giữa những nhà phân phối trong nước và ngoài nước, phải đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch với các chính sách rõ ràng.

Mặt khác, cần có sự tái cơ cấu lại ngành với 4 trụ cột đó là: chuyển dịch phương thức tìm kiếm lợi nhuận bằng chênh lệch giá sang cung ứng giá trị chuyên nghiệp và có giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu lạc hậu truyền thống sang văn minh hiện đại; chuyển từ phương thức kinh doanh nhỏ lẻ sang kinh doanh lớn; phát triển và chuyển dịch các mối quan hệ rời rạc dễ bị đổ vỡ hiện nay sang chuỗi liên kết hiện đại, bền vững tạo chuỗi giá trị gia tăng cao.

TS. Phạm Hữu Thìn, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương

Sự xuất hiện các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia là một thách thức lớn đối với DN bán lẻ Việt Nam vốn thiếu kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư. Để khơi dậy và phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh cho DN bán lẻ trong nước,  cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại nội địa trong việc xây dựng các quy định để điều chỉnh, kiểm soát đầu tư nước ngoài… Các quy định này không trái với cam kết hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Việt Nam.

Rút kinh nghiệm các nước, sự phát triển thái quá các loại hình cửa hàng bán lẻ hiện đại quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phá sản hàng loạt các cơ sở bán lẻ truyền thống, khiến hàng loạt người mất việc gây ra những tác động xã hội. Để hạn chế tác động này nên sớm có quy định phân loại các loại hình cơ sở bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị và quy định về quy hoạch, đánh giá tác động cũng như hiệp thương mở các cửa hàng. Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp đã có những quy định như vậy và Việt Nam nên nghiên cứu để vận dụng.

PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân, Nguyên vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại

Cơ quan quản lý Nhà nước nên sớm có một cuốn cẩm  nang, cuốn sổ tay, trong đó đăng rõ các quy định, chính sách và các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây chợ, xây trung tâm thương mại và siêu thị. Trong đó chỉ rõ những gì DN cần làm, những gì DN được hưởng. Để DN các tỉnh cứ theo đó mà làm, cứ theo đó để biết, muốn đầu tư, muốn góp phần phát triển chuỗi phân phối thì phải gặp ai, khi đi cần mang theo những gì.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc thường trực Hapro

Hapro cũng như nhiều DN thương mại khác gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.  Hapro đã triển khai nhiều chương trình đưa hàng về nông thôn,  mở rộng hệ thống cửa hàng sang các tỉnh. Nhưng sự quan tâm của chính quyền đối với việc phát triển hệ thống bán lẻ của các DN nội địa không đồng đều, vẫn có tâm lý sính ngoại ảnh hưởng lớn tới việc chính quyền địa phương có quyết định hay không quyết định phê duyệt địa điểm mở trung tâm thương mại hay siêu thị của DN. Ngay như chính sách về vốn cũng còn thiếu. Cũng là Hapro đứng ra vay nhưng nếu vay vốn kinh doanh, các ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay, nhưng vay đầu tư siêu thị thì ngân hàng ngần ngại vì lo do thị trường bất động sản đang trì trệ.

DN bán buôn, bán lẻ trong nước lại càng khó cạnh tranh so với DN ngoại vì khả năng dự báo kinh tế yếu lại khó tiếp cận các nguồn thông tin khiến DN luôn lúng túng, thiếu chủ động và dễ bị tổn thương trước các diễn biến bất thường của thị trường. Nếu không có sự hỗ trợ thực sự của Nhà nước thì DN tiếp tục khó khăn.