Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về vai trò của pháp luật

Theo thesaigontimes.vn

(Taichinh) - Hội nhập ngày càng sâu, rộng, cơ hội có nhiều, nhưng thách thức cũng nhiều. Bên cạnh các thách thức khách quan đến từ phía thị trường bên ngoài, một thách thức to lớn đã và vẫn đang tồn tại trong chính các doanh nghiệp của chúng ta, cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đó là nhận thức về vai trò của pháp luật trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xin điểm lại những thực tiễn điển hình với doanh nghiệp Việt trong thời gian qua:

Câu chuyện tài sản trí tuệ: Trước thực trạng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hiện bị làm giả tràn lan, đã có bao nhiêu doanh nghiệp coi trọng việc đăng ký nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp, cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác? Một con số mà Cục Sở hữu trí tuệ mới đưa ra hồi đầu năm 2015: trong số các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ có 15% là của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp nước ngoài rất am hiểu pháp luật Việt Nam và sử dụng pháp luật để tạo cho mình một tấm khiên bảo vệ vững chãi. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ trước vấn đề này. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn phải loay hoay trong bài toán giải quyết các tranh chấp khi phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó, dẫn đến niềm tin với người tiêu dùng với hàng hóa của doanh nghiệp bị giảm sút, làm giảm tính cạnh tranh với hàng ngoại.

Bên cạnh đó là thực tế hàng loạt nhãn hiệu gắn liền với “đặc sản Việt Nam” đã bị doanh nghiệp nước bạn nhanh tay đăng ký bảo hộ độc quyền. Chúng ta mất cả chì lẫn chài. Dùng nhãn hiệu của mình gây dựng nhưng lại bị xem là một hành động bất hợp pháp.

Câu chuyện của môi trường: Môi trường dường như đang là vấn đề nóng bỏng nhất tại Việt Nam. Nổi cộm thời gian gần đây là tình trạng quốc lộ 1A bị chia cắt do người dân tụ tập phản đối một nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của họ. Việc doanh nghiệp quá xem thường các chuẩn mực pháp lý liên quan đến môi trường, có thể dẫn đến tình trạng phản ứng trong nhân dân. Hơn nữa, thói quen hành xử tệ hại với môi trường dần đi lệch chuẩn và đi ngược lại với yêu cầu về ứng xử của nhiều sân chơi hội nhập. Thị trường xuất khẩu sẽ thu hẹp nhanh chóng bởi người tiêu dùng với ý thức bảo vệ môi trường cao sẽ quay lưng.

Câu chuyện với “Thượng đế”: Trong kinh doanh hiện đại, người tiêu dùng luôn được xem là “Thượng đế”. Thế nhưng ở nước ta, các doanh nghiệp có vẻ không mấy xem trọng người tiêu dùng, phớt lờ các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Các hợp đồng mẫu vẫn chỉ chú trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Hàng hóa có lỗi, mấy khi thấy doanh nghiệp nào tự giác thu hồi. Điều này đã dần dần làm xói mòn lòng tin của người dân đối với hàng Việt Nam. Giờ đây, lựa chọn của người tiêu dùng đang dần thiên hẳn về các sản phẩm ngoại. Một lần nữa, chính các doanh nghiệp Việt Nam đang tự làm mất thị trường của chính mình.

Khi sự hòa nhập càng trở nên sâu rộng, các nhà đầu tư nước ngoài được tự do đầu tư vào Việt Nam, sự bảo hộ của Nhà nước đối với doanh nghiệp Việt Nam không còn nữa, các doanh nghiệp phải tự thân vận động để tồn tại. Trong tiến trình đó, điều đầu tiên cần làm là bảo vệ chính mình. Không gì hữu hiệu hơn là tận dụng ưu thế tuyệt đối của luật pháp - của cả Việt Nam và thế giới. Cuộc chiến trên thương trường không phải chỉ là cuộc chiến về hàng hóa mà còn là cuộc chiến pháp lý. Các doanh nghiệp Việt cần rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến quy trình hoạt động của mình như về môi trường, lao động, quy chuẩn hàng hóa, các quy định nội bộ. Khi ra bất kỳ quyết định gì, hoặc tiến hành giao dịch với bất kỳ đối tác nào nên tham khảo các cố vấn pháp lý chuyên nghiệp.