Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với thay đổi

Theo thoibaonganhang.vn

“Brexit gây sốc nhưng không phải thảm họa đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam”. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa trong hội thảo “Thích ứng nhanh với thay đổi” do NHTMCP Quân đội (MB) vừa tổ chức. Theo đó, ông Nghĩa cho rằng DN có quan hệ thương mại với Anh và EU nên bình tĩnh duy trì thay vì từ bỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng các đồng tiền giảm rồi sẽ tăng trở lại vì sự suy giảm nền kinh tế thế giới chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này cũng được ông Avtar Sandu, chuyên gia cao cấp Tập đoàn tài chính Phillip Futures nhìn nhận sau khi phân tích về tác động của Brexit tới thị trường Việt Nam.

Cụ thể, ông Avtar Sandu cho rằng, những tác động ngầm định từ việc Anh rời khỏi EU có thể xét trên các khía cạnh thương mại, tăng trưởng kinh tế, biến động tỷ giá và nợ công. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, và khoảng 2,4% GDP.

Có thể nói, Anh là một thị trường xuất khẩu lớn trong khối EU của các DN Việt Nam, và thị trường này duy trì nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng mỗi năm trên 20%. Nhưng về lâu dài, khó có thể nói việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực đến thương mại Việt Nam, vì điều này sẽ còn tùy thuộc vào chính sách ngoại giao và thương mại khi nước này quyết định tách khỏi EU.

Bên cạnh đó, hoàn toàn có cơ sở cho sự chuyển dịch thương mại của Anh từ EU sang khu vực châu Á, trong đó, Việt Nam với tính năng động và kết nối trong giao thương.

Các chuyên gia cho rằng, có thể cuối năm 2016, một đợt sóng suy giảm tiền tệ nữa sẽ xảy ra khi Anh có Chính phủ mới. Song giới chuyên môn dự báo giá trị tiền tệ sẽ sớm phục hồi vì Chính phủ các nước sẽ nhanh chóng tìm ra cách phối hợp giữa Anh và EU. Thậm chí, nhiều dự báo trong tương lai cho thấy, Anh sẽ lại quay trở về với quỹ đạo của EU. Theo đó, giới chuyên môn khuyên DN Việt Nam nên hướng tới những chính sách kinh doanh mới phù hợp với sự thay đổi hiện tại.

Một yếu tố nữa khiến DN Việt Nam có thể yên tâm, là Trung Quốc không dễ lâm vào khủng hoảng như nhiều dự đoán.

Cụ thể, hiện nay nhiều người nghĩ rằng, Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách hơn 10% GDP, gấp 3 lần chỉ số đặt ra là 3%. Dư nợ của Trung Quốc đang rất đáng lo ngại, tỷ lệ nợ trên GDP đang tăng, xu hướng đang tăng lên rất cao, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tín dụng cho thị trường làm tăng thêm các khoản nợ. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ chưa sử dụng đến và họ có thể xoay chuyển thị trường.

Khẳng định Trung Quốc không suy giảm mà sẽ tăng trưởng, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra một số tiêu chí để DN Việt Nam có thể hình dung. Đó là, nước này có dự trữ ngoại tệ rất lớn; tài sản công lớn. Bên cạnh đó, việc hướng vào công nghệ mũi nhọn đón đầu sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh như vũ bão. “Chính các DN Trung Quốc đang sử dụng công nghệ để tiết giảm chi phí, đối phó với suy giảm thương mại dài hạn là điều mà DN Việt Nam phải chú ý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ những nhìn nhận trên, TS. Nghĩa đưa ra một số giải pháp giúp DN thích ứng với sự thay đổi. Trong đó, cần đẩy mạnh marketing, tin học hoá trong việc quản lý. Về nguồn vốn, ông Nghĩa cũng khuyên DN nên mạnh dạn gia nhập TTCK để có thể tìm được nguồn vốn đầu tư ổn định và minh bạch…