Doanh nghiệp cao su: Chế biến mất mùa, chế tạo hưởng lợi

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Giá mủ cao su ngày càng giảm khiến các doanh nghiệp (DN) cao su thiên nhiên bị “mất mùa” lợi nhuận, nhưng lại là lực đẩy để DN sản xuất, kinh doanh săm lốp bứt phá.

Doanh nghiệp cao su: Chế biến mất mùa, chế tạo hưởng lợi
Giá bán cao su giảm đã tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên. Nguồn: internet
Hàng loạt DN cao su thiên nhiên như Công ty cổ phần (CTCP) Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đã kết thúc 9 tháng kinh doanh đầu năm với kết quả đáng buồn.

Cụ thể, DPR đạt 259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 62,6% cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo báo cáo tài chính của công ty này, giá bán cao su bình quân trong 9 tháng chỉ đạt 55 triệu đồng/tấn, thấp hơn 7 triệu đồng/tấn so với dự kiến cả năm 2013 và thấp hơn đến 8,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng mủ cao su khai thác cũng giảm khoảng 700 tấn so với cùng kỳ.

Với PHR, là DN có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực cao su thiên nhiên, nhưng 9 tháng đầu năm, công ty chỉ đạt hơn 50% kế hoạch kinh doanh cả năm, với lợi nhuận trước thuế 256 tỷ đồng.

Do đó, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua kế hoạch điều chỉnh kế hoạch kinh doanh quý IV/2013, với giá bán mủ cao su bình quân trong quý chỉ là 47 triệu đồng/tấn, giảm 8,6 triệu đồng/tấn so với giá bán bình quân của 9 tháng đầu năm nay của công ty.

So với DPR và PHR, tình hình kinh doanh của TRC xem ra đỡ bết bát hơn, khi kết thúc 9 tháng đầu năm 2013 với 171 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 66,8% kế hoạch năm.

Trong khi đó, các DN chế tạo săm lốp lại đang được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Theo đó, CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) công bố báo cáo tài chính quý III/2013, với mức lãi 89,1 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Casumina lãi 257,7 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước và vượt lợi nhuận cả năm 2012 (253,9 tỷ đồng). So với kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm, 9 tháng đầu năm 2013, Casumina đã hoàn thành vượt 25%.

Theo Casumina, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do sản lượng tiêu thụ trong quý tăng, chi phí đầu vào biến động nhẹ khi công ty thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng. Cũng cần phải nhắc lại là, Casumina đang là DN dẫn đầu lĩnh vực sản xuất săm lốp và năm 2012 đã đạt kết quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay, vượt mốc 3.000 tỷ đồng doanh thu.

Theo ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina, kết quả khả quan nêu trên là nhờ vào việc công ty đã áp dụng triệt để nhiều biện pháp. Đặc biệt, Casumina đã tiến hành xây dựng lại thương hiệu, chuyên nghiệp hóa khâu quản trị và lãnh đạo, đầu tư mạnh vào sản phẩm, quyết liệt hơn trong quản lý sản xuất - bán hàng - hàng tồn kho…

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cũng như giá cao su nguyên liệu sẽ ổn định trong thời gian tới, nên lãnh đạo Casumina tin tưởng rằng, tình hình kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục khởi sắc bền vững.

Hơn nữa, theo diễn biến trên thị trường, lượng xe máy sử dụng sản phẩm lốp không săm đang chiếm ưu thế. Đây là cơ hội để công ty duy trì các dòng sản phẩm truyền thống. Casumina hiện nắm khoảng 33% thị phần săm lốp ở Việt Nam và đang sản xuất hơn 100 dòng sản phẩm, với các nhãn hiệu như Super Lion, Dragon, Fire King…

Theo ông Phú, Nhà máy lốp xe Radial toàn thép giai đoạn I sẽ đi vào hoạt động trong quý IV năm nay, với công suất 350.000 lốp xe/năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Dự kiến đến hết năm 2017, khi nhà máy này hoàn chỉnh cả 3 giai đoạn, Casumina đạt công suất 1 triệu lốp xe/năm. Đây là dòng sản phẩm đánh dấu sự chuyển mình của Casumina trong lĩnh vực kinh doanh của mình, nhằm thay thế toàn bộ dòng sản phẩm đang nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong mục tiêu tăng trưởng chung, Casumina chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng thị trường nội địa khoảng 5 - 10%. Thị trường mở rộng chủ yếu của Casumina sẽ đến từ xuất khẩu, với kim ngạch hiện chiếm 28 - 30% doanh thu, phấn đấu đạt 50% doanh thu trong các năm tiếp theo.

Casumina đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ thông qua các nhà phân phối tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của Casumina, chiếm 65%. Các thị trường còn lại của Casumina là Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, châu Phi.

Trong khi đó, Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt 2.008 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 372,5 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm.

Riêng quý III/2013, công ty đạt doanh thu thuần 630 tỷ đồng, lãi ròng hơn 90 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nâng lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm lên gần 280 tỷ đồng, tăng 28% so với 9 tháng đầu năm 2012. Theo đại diện của DRC, mặc dù doanh thu sụt giảm, nhưng nhờ giá cao su nguyên liệu giảm mạnh từ đầu năm tới nay, nên lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với cùng kỳ.

Năm nay cũng là năm DRC kỳ vọng sự tăng trưởng vượt bậc về năng lực hoạt động, khi Dự án Sản xuất lốp xe tải radial công suất 600.000 lốp/năm và Dự án Di dời xí nghiệp săm lốp ô tô từ Bắc Mỹ An về Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng) hoàn thành.