Doanh nghiệp châu Âu vẫn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam

PV.

(Tài chính) Một cuộc khảo sát cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam thuộc khối ngành dịch vụ, thương mại và sản xuất do EuroCham vừa công bố cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam duy trì ở mức trung bình là 50 điểm.

Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, độ tin cậy của các doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát đối với triển vọng kinh doanh bị sụt giảm; đồng thời các doanh nghiệp cũng tỏ ra quan ngại về ảnh hưởng từ việc thay đổi các luật lệ trong tương lai. Tuy nhiên, dự kiến sắp tới sẽ có sự gia tăng trong kế hoạch đầu tư và đơn đặt hàng; từ đó tác động tích cực đến kế hoạch tuyển dụng.

 Doanh nghiệp châu Âu vẫn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 1

Phần lớn các doanh nghiệp châu Âu mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định, đặc biệt là môi trường pháp lý, tiền lương, chính sách về thuế và hải quan. Việc ban hành các chính sách có hiệu lực trong một thời gian ngắn ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp liên tục thay đổi sẽ mất nhiều thời gian, nếu để chậm trễ thì vô hình chung các doanh nghiệp bị vi phạm pháp luật.

Trong cam kết hoạt động tại Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu, vấn đề thay đổi luật lệ được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu, bởi những yếu tố này tác động rất lớn đến rủi ro trong kinh doanh. Kết quả cho thấy việc thay đổi các luật lệ, chính sách trong suốt năm 2013 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, và khuynh hướng này dự định sẽ tiếp tục tăng vào năm 2014. Có tới 89% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Chính phủ cần cân nhắc những vấn đề mà các doanh nghiệp đề cập trong Sách Trắng 2014 của EuroCham dự kiến được thông qua trong tháng 11 tới.

 Doanh nghiệp châu Âu vẫn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 2

Giám đốc Điều hành của EuroCham Csaba Bundik nhấn mạnh: “Chỉ số Môi trường Kinh doanh lần thứ 3 liên tiếp vẫn giữ mức 50. Với chuyến thăm sắp tới của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ngài Antonio Tajani cùng hơn 50 đại diện doanh nghiệp châu Âu theo sáng kiến “Sứ mệnh vì sự phát triển”, Việt Nam cần phải chứng tỏ rằng Việt Nam vẫn là một thị trường cạnh tranh trong khu vực. Chúng tôi tin rằng nếu các vấn đề đề cập trong Sách Trắng 2014 của EuroCham được giải quyết thành công, sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh doanh và thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam”.

So với năm 2012, khi mà môi trường kinh doanh nằm ở mức thấp nhất là 45 điểm thì trong quý IV năm nay, chỉ số này đã phần nào được cải thiện với 38% các doanh nghiệp đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại. Số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại đã giảm xuống còn 24% so với 28% của quý III.

Tuy nhiên, để đạt được con số đáng mong ước và thực hiện theo đúng cam kết các doanh nghiệp châu Âu sẽ ở lại Việt Nam lâu dài hơn việc Chính phủ Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề kinh doanh gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trên thực tế, kế hoạch đầu tư và đơn đặt hàng vẫn đang có xu hướng tăng.

 Doanh nghiệp châu Âu vẫn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 3

Với 41% các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, so với 34% của quý trước. Hơn nữa, số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự định “tăng đáng kể đầu tư” đã tăng gấp đôi từ 8% của quý trước lên 16% quý này. Tương ứng với chuyển biến này, số lượng các đơn đặt hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng, lên mức 67% (so với 61% và 53% của hai quý trước). Chỉ có 14% các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến có sự sụt giảm về các đơn hàng, giảm mạnh so với con số 36% của năm ngoái.

Bốn thách thức chính khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được phía các doanh nghiệp châu Âu đưa ra là tham nhũng (72%); việc thực thi các quy định pháp luật còn yếu hoặc chưa nhất quán (67%); những trở ngại về hành chính (52%); và thiếu sự minh bạch (45%). Khoảng 50% các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ ra rằng việc thay đổi các luật lệ đã tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ; và chỉ 7% cho rằng việc thay đổi các luật lệ trong suốt năm 2013 là điều tích cực. Hướng đến năm 2014, khoảng một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng các quy định sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. Tuy nhiên, khoảng 32% vẫn hy vọng sẽ có một môi trường pháp lý tích cực vào năm 2014. Điều này lý giải cho việc có tới 89% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằn, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc các kiến nghị trong Sách Trắng 2014.

Một điều đáng lưu ý khác là các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng ghi nhận một số khía cạnh rất tích cực khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó quan trọng nhất là các cơ hội kinh doanh (60%), sự tăng trưởng trong tương lai của thị trường (60%) và việc Việt Nam được xem như một trung tâm khu vực về xuất khẩu (19%). Nếu giải quyết giải quyết thành công những vướng mắc trên sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh doanh và thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp châu Âu tìm đến Việt Nam.