Doanh nghiệp “chê” nông nghiệp: Hóa giải nghịch lý

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp (DN) về nông thôn, nhưng DN nông nghiệp có xu hướng ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất so với các DN trong cả nước. Đây là nghịch lý, khi Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm xuất khẩu (XK) đứng đầu thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2014, ngành nông nghiệp có 3.844 DN, chiếm dưới 1% tổng số DN được điều tra. Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), số lượng DN nông nghiệp không những ít mà còn có xu hướng giảm đi trong thời gian gần đây. Số DN nông nghiệp tính đến tháng 10/2015 giảm 5,33% so với cuối năm 2014.

Chính sách chưa đủ sức hấp dẫn

Hiện DN nông nghiệp có xu hướng ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất so với DN chung cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2015, số DN nông nghiệp đã giải thể (199 DN) bằng 11% so với số DN nông nghiệp thành lập mới (tỷ lệ này ở DN chung chỉ là 9,6%).

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, đây là vấn đề chính sách đáng quan tâm, khi Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm XK đứng đầu thế giới, chỉ số về năng lực cạnh tranh của các DN nông nghiệp gồm quy mô vốn, quy mô lao động, hiệu suất và tính an toàn của sử dụng vốn đều được cải thiện và có phần nhỉnh hơn các ngành khác trong thời gian gần đây.

Theo ông Lưu Đức Khải - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, mặc dù hiện nay chúng ta đang kêu gọi thu hút đầu tư về nông thôn như thực chất các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư về nông thôn.

Ông Khải chỉ rõ, môi trường đầu tư, kinh doanh ở nông thôn còn một số hạn chế. Mặc dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực cải cách hành chính công, các thủ tục này vẫn bị coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh

Khảo sát của IPSARD năm 2014, cho thấy 79,2% DN nông lâm thủy sản được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.

Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016, của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới, cho thấy môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước.

Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Môi trường hoạt động kinh doanh vận tải phục vụ nông nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực và quốc tế, chỉ đạt 54,8/100 điểm, xếp thứ 35/40 nước được đánh giá. Vẫn còn nhiều quy định thắt chặt việc vận chuyển xuyên biên giới (xếp thứ 38), thiếu hệ thống xử lý điện tử cho cấp phép và gia hạn giấy phép vận tải.

Bên cạnh đó, thủ tục và quy định cho phép DN được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ như các DN xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm, làm ảnh hưởng đến dòng vốn của DN. Việc hoàn trả thuế TNDN cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần.

Cần giảm các rào cản đầu tư

Có tới 66,7% số ý kiến cho rằng chính sách hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của DN. Cách phân loại DN thành DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa theo tiêu chí quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện hỗ trợ cho các DN. Việc đăng ký thành lập DN vẫn mất nhiều thời gian.

Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu của WB, thủ tục này ở Canada - nước cải cách nhất, thì việc đăng ký chỉ mất 3 ngày với 2 thủ tục. DN Việt Nam còn gặp rào cản trong các thủ tục hành chính sau đăng ký kinh doanh. Sự chậm trễ trong thủ tục này bắt nguồn từ việc nhiều thủ tục hậu đăng ký chồng chéo và chưa hợp lý. Quy định pháp luật liên quan còn phức tạp và hay thay đổi. Thái độ thiếu thân thiện của công chức đối với DN. Tất cả những rào cản này làm tăng chi phí cho DN.

DN còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai cũng như tài chính cho phát triển kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ DN về đất đai còn được đánh giá là chưa hợp lý và khó tiếp cận. Theo điều tra của IPSARD (2014), có 67,7% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Còn nhiều thủ tục để DN được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khiến các tài sản này không được thế chấp tại ngân hàng để vay tiền, tức là hạn chế khả năng tiếp cận tài chính và cơ hội phát triển của DN.

Theo ông Khải, để cải thiện môi trường đầu tư cho DN ở nông thôn, Nhà nước cần chủ động quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở pháp lý ổn định để người dân và DN yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh lâu dài. Ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm của nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến, sản phẩm làng nghề…

Tổ chức các cơ quan giám sát tính minh bạch, rõ ràng và đúng luật pháp trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể nhằm xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh trái luật, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, những liên kết phi pháp để chiếm đoạt nguồn lực và những cơ hội kinh doanh một cách bất bình đẳng.

Trợ giúp phát triển vùng sản xuất kinh doanh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất kinh doanh. Giảm các rào cản đầu tư bằng cách giảm các chi phí đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường.

Thúc đẩy sự hình thành các tổ chức kinh tế của người dân nông thôn như hợp tác xã, tổ hợp tác, hội… để có đủ năng lực tham gia hiệu quả hơn vào thị trường. Tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực của các DN để tiếp thu được những công nghệ mới….