Doanh nghiệp chọn “khúc cua” để tăng tốc

Theo VIR

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Khải, Kiến trúc sư trưởng giải pháp của SAP Việt Nam cho biết, thời điểm khó khăn chính là lúc các doanh nghiệp (DN) nên đầu tư cho các giải pháp quản trị DN để tăng tốc và phát triển.

Thưa ông, năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với các DN Việt Nam. SAP Việt Nam liệu có chung cảnh ngộ?

Năm 2012, ngược lại, đã đánh dấu những thành công lớn của SAP tại Việt Nam. Nhiều dự án quan trọng của SAP (cung cấp các giải pháp quản trị nguồn lực DN - ERP cho DN Việt Nam) đã được triển khai thành công. Chẳng hạn, các dự án với Tổng cục Thuế, Petrolimex, Hoàng Anh Gia Lai hay BigC, Licogi, Imexpharm, Đại Đồng Tiến… Trong quá trình triển khai, các khách hàng đều hài lòng với các giải pháp ERP của SAP. Như vậy, cho tới nay, chúng tôi đã có gần 200 khách hàng tại Việt Nam.

Nhưng lẽ thường, khi khó khăn, DN sẽ cắt giảm chi phí…?

Tất nhiên, chuyện kinh tế vĩ mô và hệ thống DN gặp khó cũng đã phần nào ảnh hưởng đến SAP và bức tranh kinh doanh năm 2012 của chúng tôi không chỉ toàn màu hồng. Một số DN đã quyết định lùi thời điểm đầu tư cho các hệ thống ERP, nhưng cũng có rất nhiều DN vẫn quyết tâm triển khai các giải pháp của SAP.

Thực ra, khi kinh tế tốt, kinh doanh phát triển, các DN thường tập trung cao độ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, do đó, họ sẽ không còn thời gian và sức lực cho những dự án mang tính chiến lược như triển khai ERP. Còn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãnh đạo DN có thời gian để tập trung vào chuẩn hóa quy trình kinh doanh, cũng như triển khai ERP. Đây chính là cơ hội rất lớn và cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai, khi kinh tế hồi phục, tất cả các quy trình, hệ thống và con người đã sẵn sàng để DN tăng tốc và phát triển.

Nếu như để ý những cuộc đua xe công thức 1, có thể thấy, ở những đoạn đua bằng phẳng, các tay đua khó mà vượt qua nhau. Chỉ khi tới các khúc cua nguy hiểm, mới chứng tỏ ai là tay đua cự phách. Các DN bây giờ cũng vậy, đang ở trong một khúc cua với rất nhiều thử thách. Do vậy, DN nào có tầm nhìn, có bản lĩnh, có tiềm lực nhất định về tài chính, và quan trọng hơn là có những kỹ năng chuyên môn, quy trình quản lý tốt, sẽ là những người vượt qua thử thách và về đích sớm nhất.

Vậy các giải pháp của SAP sẽ mang lại những lợi ích gì cho DN, thưa ông?

Do sự phát triển về các giải pháp quản trị DN ở Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khởi, nên đa số khách hàng Việt Nam đang lựa chọn những giải pháp truyền thống về quản trị DN của chúng tôi như ERP, BI, để hỗ trợ các tính năng phân tích, hoặc các giải pháp chuyên ngành như ERP dành cho ngành bán lẻ, hay ngân hàng, tài chính, tiêu dùng...

Triển khai các giải pháp này, các DN sẽ có được cái nhìn toàn diện và thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động DN của mình, để từ đó có thể ra quyết định nên đầu tư vào đâu, trong lĩnh vực nào, mua nguyên liệu của nhà cung ứng nào... Họ cũng có khả năng kiểm soát được hoạt động của DN, ví dụ, chi tiêu có vượt quá ngân sách không, có đúng kế hoạch không...

Hiện không chỉ SAP cung cấp các giải pháp quản trị DN ở Việt Nam. Bài toán cạnh tranh được đặt ra thế nào?

SAP đang giữ thị phần khá lớn ở mảng phần mềm DN tại Việt Nam và thực tế là, chúng tôi không ngại cạnh tranh với các đối thủ của mình. Sự cạnh tranh lớn nhất, thực ra, không phải đến từ các đối thủ, mà lại là từ việc các DN… không làm gì cả.

Nghĩa là sao, thưa ông?

Nghĩa là DN còn e ngại hoặc chưa sẵn sàng đầu tư cho các giải pháp ERP. Thực ra, rất nhiều DN Việt Nam đã nhận thấy rằng, ERP là cần thiết, nhưng họ e ngại không biết DN mình triển khai liệu có thành công hay không. Vì thế, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ DN để khiến họ yên tâm khi triển khai ERP.

Việt Nam hiện có trên 400.000 DN đang hoạt động. Đó đều là những khách hàng tiềm năng của chúng tôi. Và với mỗi loại hình DN, quy mô, mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, chúng tôi đều có những giải pháp quản trị DN phù hợp. Việt Nam thực sự là một thị trường mà SAP đánh giá rất cao và muốn kinh doanh lâu dài.