Doanh nghiệp chưa xác định được phân khúc thị trường phù hợp

Theo Đại biểu Nhân dân

Sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, hàng Việt đã tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Nhưng câu chuyện để người Việt thường xuyên dùng hàng Việt xem ra còn khá xa vời. Một trong những nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp trong nước vẫn chưa xác định được rõ phân khúc thị trường nào phù hợp với mình.

Doanh nghiệp chưa xác định được phân khúc thị trường phù hợp

Dù cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng vượt qua được tâm lý sính hàng ngoại, chưa tin tưởng hàng nội của người tiêu dùng thật không đơn giản. Trong đó không chỉ có vướng mắc từ tâm lý khách hàng, mà còn xuất phát từ thực tế là lâu nay các doanh nghiệp nước ta quá chú trọng hoạt động xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Hay nói một cách khác: ngay doanh nghiệp sản xuất cũng mang tâm lý sính ngoại. Chính vì vậy, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhiều loại hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra khó tiếp cận với khách hàng nội địa, vì một lý do đơn giản: không phù hợp. Theo Trưởng phòng Kinh doanh công ty giày Minh Phú Nguyễn Toàn Thắng, chỉ có thể thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng bằng cách lắng nghe khách hàng.

Bản thân các doanh nghiệp vẫn còn rất lúng túng khi lựa chọn phân khúc thị trường nào? Cao cấp, thấp cấp hay trung bình? Xét năng lực thực tế của doanh nghiệp Việt Nam thì đa số sản phẩm hàng Việt về chất lượng phù hợp với phân khúc thị trường trung bình thấp, chỉ một số mặt hàng trung bình khá. Nhưng giá cả lại chưa phù hợp với đối tượng người tiêu dùng thu nhập thấp. Khi thực sự hướng về người tiêu dùng trong nước, nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, do lúng túng trong việc lựa chọn phân khúc thị trường nên doanh nghiệp sản xuất hàng Việt khó tìm được chỗ đứng ở thị trường. Trong đó, tại khu vựcnông thôn, hàng hóa Trung Quốc và hàng gia công giá rẻ đang chiếm ưu thế. Tại khu vực đô thị, hàng hóa được doanh nghiệp trong nước sản xuất không dễ xuất hiện tại các siêu thị, dù theo thống kê thì hiện tại hàng Việt đang chiếm tỷ lệ 70 - 90% lượng hàng hóa trong siêu thị.

Thực chất, lượng hàng hóa tại các siêu thị là hàng hóa Việt Nam thực sự - tức là những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, thiết kế, sản xuất - không nhiều. Hàng Việt trong siêu thị chủ yếu là hàng của các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Không phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp này đối với thị trường hàng hóa nước ta, song nếu đánh giá khách quan, thì rõ ràng sản phẩm do doanh nghiệp 100% vốn trong nước sản xuất vẫn khó len chân vào phân khúc bán lẻ hiện đại, ngoại trừ một số sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến.

Có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết cần nghiêm túc thừa nhận công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở nước ta phát triển chưa theo kịp nhu cầu của thị trường. Có lẽ ngoài dệt may, thực phẩm chế biến và một số hàng hóa tiêu dùng trong gia đình khác, thì các sản phẩm phục vụ đời sống người dân có mức thu nhập trung bình - là khách hàng của các siêu thị - còn rất ít ỏi. Những thương hiệu Việt Nam đã từng một thời chiếm vị trí trên thị trường như Như Ngọc, Dạ Lan… giờ vắng bóng. Có sản phẩm đã khó, đưa sản phẩm vào siêu thị lại càng khó hơn. Mặc dù các siêu thị chỉ đặt ra những tiêu chuẩn cơ bản để bảo đảm chất lượng hàng hóa trong siêu thị, nhưng một số nhân viên kinh doanh đã lợi dụng các tiêu chuẩn chung đó để làm khó doanh nghiệp, vòi tiền. Nhiều nhà sản xuất cho biết, muốn vào được siêu thị thì phải mất tiền, muốn hàng hóa được bày ở vị trí đẹp cũng phải mất tiền… Gánh nặng chi phí bất thành văn khiến doanh nghiệp nản chí.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, theo khảo sát của một số báo điện tử, 52% số khách hàng được hỏi quyết định cắt giảm chi tiêu, lựa chọn những hàng hóa trong nước có thể cung ứng để thay thế cho hàng nhập khẩu để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Người tiêu dùng trong nước - trong đó có tới 70% sống ở nông thôn - sẽ trở thành một lực lượng hùng hậu để tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp đứng vững trước những cơ hội và thách thức.