Doanh nghiệp công nghệ cao: Chật vật nội địa hóa

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Nếu công nghiệp hỗ trợ trong nước không sớm được cải thiện, một số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh sẽ khó có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm như mục tiêu 25% vào năm 2015 và đến năm 2020 là 40% mà lãnh đạo khu công nghệ này đặt ra.

Doanh nghiệp công nghệ cao: Chật vật nội địa hóa
Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh đã có các chính sách ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng một số chính sách vẫn còn khiến DN gặp khó. Nguồn: internet

Theo lãnh đạo khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, các DN đang hoạt động ở khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hiện có tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đạt khoảng 20%

Nhập khẩu từ... hộp giấy

Năm 2010, Tập đoàn Intel của Mỹ đã xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của họ tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với trị giá 1 tỷ USD. Chỉ sau 4 năm có mặt, Intel đã chiếm tỷ trọng lớn giá trị xuất khẩu của khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa của Intel cũng đạt trên 10% với tổng chi tiêu cho các nhà cung cấp nội địa trong năm 2013 đạt 11 triệu USD. Intel khẳng định dù muốn tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhiều hơn nữa, nhưng điều này khiến Công ty gặp không ít khó khăn bởi số lượng các DN Việt Nam đáp ứng được điều kiện còn quá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc bộ phận thu mua Intel Việt Nam dẫn chứng, đầu năm 2014 một đối tác trong nước cung cấp hộp giấy đựng chipset cho nhà máy không đúng thời gian, đã khiến Intel phải đứng trước nguy cơ tạm dừng sản xuất. Kho hàng dự trữ chỉ đáp ứng tạm thời cho nhà máy hoạt động trong 24 giờ. Nguy cơ này bắt buộc Intel phải bỏ kinh phí không nhỏ để vận chuyển hộp giấy từ Malaysia về Việt Nam.

Ở trường hợp tương tự, ông Trần Tiến Đạt - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Datalogic Việt Nam - đơn vị sản xuất các thiết bị đọc mã vạch xuất khẩu cho biết, sau 5 năm hoạt động, doanh số của Công ty ông đã tăng lên hơn 160 triệu USD so với gần 3 triệu USD của năm 2009 và trong quá trình phát triển mạnh mẽ ấy, Công ty luôn cố gắng tìm các nhà cung cấp trong nước để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm nhằm hạ giá thành nhưng rất khó. Đến nay, tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của Công ty chưa đạt tới 4%. Và phần lớn những mặt hàng mà Datalogic mua tại Việt Nam là những mặt hàng có giá trị thấp như bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản.

Không chỉ có Intel hay Datalogic Việt Nam mà nhiều DN khác đang hoạt động tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Osato Kazuhiko - Giám đốc điều hành JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát của JETRO, năm 2013, tỷ lệ cung cấp nội địa cho các Công ty Nhật chưa đến 32% tại Việt Nam và chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan. “Trải qua 10 năm nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể” - ông Osato Kazuhiko nhận định.

Cần thêm “lực đẩy”

Theo các chuyên gia, thực tế, suốt thời gian dài, các địa phương mới chỉ chú trọng thu hút vốn đầu tư bằng mọi giá, chứ chưa tính đến việc chúng ta sẽ cung cấp cho nhà đầu tư cái gì trong chuỗi giá trị. Vì vậy nhiều năm nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển, cứ luẩn quẩn quanh chuyện nhập siêu và gia công lắp ráp với giá lao động rẻ.

Tại hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ gần đây, một đại diện DN đã ví von nếu coi toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi. Không có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp lắp ráp sẽ không thể tồn tại. Đối với DN có sản phẩm xuất khẩu, càng có nhiều nguồn cung nội địa sẽ càng tiết giảm được chi phí sản xuất.

Bà Lê Bích Loan - Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao cho rằng, các DN khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã ý thức được tầm quan trọng đó và ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, nguồn nguyên liệu nội địa hóa kể trên vẫn rơi vào các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa. Trong khi đó, các chi tiết máy phức tạp hơn, yêu cầu độ chính xác cao hiện vẫn đang thiếu nguồn cung. Hiện nay, Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh đã có các chính sách ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng một số chính sách vẫn còn khiến DN gặp khó. Về lâu dài, vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ mang tính định hướng và đột phá để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.