Doanh nghiệp công nghệ thông tin cần nỗ lực tự cứu mình trước khi được cứu!

Theo Báo Đầu tư

Làm thế nào để tồn tại trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn? là chủ đề được nhiều DN CNTT tham gia thảo luận tại Hội Tin học TP.HCM mới đây.


DN CNTT thiếu sự liên kết!

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA) thông báo, theo thống kê của VCCI, trong 9 tháng đầu năm 2012 Việt Nam có 40.000 doanh nghiệp (DN) giải thể phá sản, riêng TP.HCM là 12.599 DN giải thể, phá sản, ngưng hoạt động. đây mới chỉ là con số thống kê chính thức, trên thực tế số lượng DN “chết” nhưng chưa cập nhật là rất nhiều, trong đó không ít DN công nghệ thông tin (CNTT).

Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó giám đốc trung tâm giải pháp kinh doanh Lạc Việt (LV) cho biết, bên cạnh những khó khăn “truyền thống” của DN Việt Nam nói chung như vốn, thị trường… DN CNTT còn vướng một số khó khăn đặc thù như, DN phần cứng gặp khó khăn về tỉ giá chuyển đổi như Lạc Việt vì là nhà phân phối của Dell nên lượng ngoại tệ sử dụng nhập khẩu là rất lớn nhưng đều phải tìm từ nguồn trôi nổi khá lớn, tỉ suất lại theo giá thị trường, trong khi giá niêm yết của ngân hàng thì DN rất khó khăn khi mua số lượng lớn và khi cần thanh toan gấp nếu gặp đơn hàng lớn thì xem như thua. Ông Nghĩa ước tính con số chênh lệch tỉ giá này, Lạc Việt hàng năm mất vài tỉ đồng...

Khó khăn thứ hai xuất phát từ nội tại, dù được kêu gọi khá lâu và có nhiều sự kiện để gắn kết nhưng đa phần DN CNTT Việt Nam vẫn thiếu sự đoàn kết, cụ thể là thiếu liên kết trong phối hợp cung cấp dịch vụ hoặc hợp tác. Ông Võ Quốc Thảo, Phó giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu chia sẻ “chính việc thiếu liên kết dẫn đến hệ quả cạnh tranh thiếu lành mạnh và lãng phí nguồn lực lớn giữa các DN CNTT Việt Nam. Vì để phát triển dịch vụ CNTT đòi hỏi đầu tư hạ tầng rất lớn, trong bối cảnh khó khăn hiện nay nếu DN CNTT liên kết với nhau đầu tư hạ tầng truyền dẫn để có thể phối hợp cùng phát triển khai thác dịch vụ thì tránh lãng phí rất nhiều.

Khó khăn thứ ba được DN kêu từ chính cơ quan truyền thông, ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty phần mềm quản lý DN Fast cho biết, chính vì bối cảnh khó khăn là tiền đề thuận lợi cho phát triển dịch vụ điện toan đám mây vì đầu tư hạ tầng một lần và có liên kết sẽ giúp nhiều DN khai thác tốt, nhưng trên thực tế nhiều chủ DN sẵn sàng bỏ tiền đầu tư máy, hoặc thuê đặt máy chủ để phát triển dịch vụ nhưng khi đặt vấn đề thuê máy chủ “ảo” nhiều chủ DN rất e dè, vì họ cho rằng đã là “ảo” tại sao phải trả tiền? “chúng tôi rất cần sự hợp tác của truyền thông để có thể truyền thông cho DN hiểu và ứng dụng tốt các công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh” ông Khánh thẳng thắn.

Còn một khó khăn thuộc loại khá cũ là nhiều DN Việt Nam vẫn còn sính hàng ngoại trong việc đầu tư vào CNTT, dẫn đến nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng vượt trội nhưng vì thương hiệu ít người biết đến nên bị loại khỏi vòng đấu thầu.

Vẫn còn nhiều điểm sáng

Trong phần thảo luận hướng đi của DN CNTT Việt Nam hiện nay, nhiều DN CNTT đồng thuận với ý kiến, phải biết tỉnh táo để chọn khe hở hẹp cho sản phẩm của mình và nếu đủ lực thì mạnh dạn thử nghiệm hướng đi mới. Cụ thể hóa ý tưởng này, ông Trần Trọng Nghĩa chia sẻ, xác định thị trường trong nước là trọng tâm Lạc Việt đã không ngừng đầu tư đổi mới và cập nhật sản phẩm từ điển liên tục và nâng được doanh thu từ 10 tỉ đồng/năm 2007 lên 30 tỉ đồng/năm 2011. Điều này cho thấy, nếu chọn đúng phân khúc, có sản phẩm tốt DN sẽ tồn tại được. Ngoài ra, cũng theo ông Nghĩa, hiện nay LV đang thử nghiệm một hướng đi mới là xuất khẩu phần mềm “Một công ty Mỹ vào Việt Nam, họ đem phần mềm của mình cài nhưng không sử dụng được, tìm đến Lạc Việt và khi sử dụng sản phẩm Human Capital Systems-chuyên về quản lý nhânsự, họ đã thẳng thắn đề nghị là liên doanh với Lạc Việt đưa sản phẩm qua Mỹ để bán cho DN nhỏ và vừa. Đây là hướng đi đươc LV thử nghiệm”

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Phan Quốc Khánh cho biết, hướng đi phù hợp với DN CNTT hiện nay là phải chủ động tìm những khe hở hẹp, riêng sản phẩm phải thiết kế phù hợp với nhu cầu biến hình của DN và phải luôn được đầu tư, nâng cấp “chính việc cạnh tranh với nước ngoài sẽ là thước đo chất lượng sản phẩm giúp DN phải tự nhìn lại mình và có hướng đi cải tiến phù hợp”.

Ở giác độ Hiệp hội, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, trọng tâm của HCA hiện nay là làm sao để giúp DN CNTT tiết kiệm chi phí quản lý DN, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Giải quyết 3 nút thắt này sẽ giúp DN chủ động, nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn là hàng sản xuất thì bán cho ai? Để giải quyết những vấn đề này, ngoài việc tiếp tục tổng hợp ý kiến và đề xuất giải pháp với cơ quan chức năng, HCA còn chủ động xúc tiến với các hiệp hội ngành nghề khác trong và ngoài nước để kết nối DN CNTT ngồi với các khách hàng trực tiếp của mình, lắng nghe nhu cầu của họ để có hướng đi và tìm kiếm các đơn hàng cụ thể. Ngoài ra, HCA còn chủ động tổ chức hợp tác xúc tiến đưa DN Việt Nam tham gia các hội chợ nước ngoài…