Doanh nghiệp da giày dời nhà máy về tỉnh để thu hút lao động

Theo Báo Đầu tư

Trong chiến lược vượt khó, một số DN da giày TP.HCM đã tìm về các miền quê để xây dựng nhà máy. Đây có phải là lựa chọn tối ưu?

Doanh nghiệp da giày dời nhà máy về tỉnh để thu hút lao động
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Giày Đô Ba cho biết, do gặp khó khăn liên tiếp từ việc kiện chống bán phá giá của Liên minh châu Âu (EU) năm 2006 và khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua, đến nay, nhiều DN da giày đã “kiệt sức”. Ngay cả các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn có nhiều lợi thế hơn cũng không tránh khỏi khó khăn, một số phải đóng cửa nhà máy, chủ DN bỏ trốn về nước…

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát thừa nhận, hiện không có DN da giày nào có lợi nhuận. Do chi phí sản xuất cao và tăng nhanh, DN không lên kế hoạch sản xuất cũng không dự phòng rủi ro được. “Những năm trước, Công ty xuất khẩu trung bình 2 triệu đôi/năm, năm nay chỉ đạt 1,4 - 1,5 triệu đôi”, bà Liên lo ngại và cho biết, ngành da giày giảm sản lượng xuất khẩu là do nguồn lao động ngày càng thiếu trầm trọng; thị trường châu Âu, Mỹ… vẫn còn nhiều khó khăn; lợi nhuận ngày càng giảm, DN chủ yếu sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động.

Để vượt qua khó khăn về thiếu hụt lao động, cũng như giảm áp lực khi quy định tăng lương tối thiểu theo vùng chính thức có hiệu lực, Công ty Giày Đô Ba có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất các bộ phận phụ về các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long. Theo tính toán, việc di chuyển này sẽ giúp Công ty tận dụng nguồn lao động và giá thuê đất thấp hơn so với ở TP.HCM.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế đã đầu tư một nhà máy về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 2 năm, bà Thúy Liên cho biết, về lý thuyết, chuyển nhà máy về tỉnh là tốt, song thực tế, năng suất lao động ở tỉnh chỉ bằng 50% so với ở thành phố. Hơn thế, DN lại tốn thêm chi phí vận chuyển về thành phố để kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Công ty Liên Phát dự tính mở thí điểm nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu thành công sẽ nhân rộng thêm 2 - 3 nhà máy ở các tỉnh khác, để tận dụng những lợi thế chi phí rẻ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, bà Liên mới vỡ lẽ, công nhân ở tỉnh làm việc chủ yếu theo thời vụ, tới mùa thu hoạch, họ xin nghỉ vì tiền công thu hoạch cao gấp đôi tiền công làm tại nhà máy.

Ngoài ra, theo bà Liên, công nhân ở tỉnh thường “ham vui”, đụng chuyện khó chịu là nghỉ việc. Cũng do các nhà máy ở tỉnh thường gần các khu dân cư, công nhân ở tỉnh ít bị áp lực chuyện cơm, áo, gạo, tiền như ở thành phố, nên DN khó có thể “ép” công nhân tăng ca để kịp đơn hàng. Chính những lý do này mà Liên Phát không mở thêm nhà máy ở các tỉnh.

Trong khi đó, xác định về tỉnh có khó khăn và thuận lợi nhất định, ngày 1/10 vừa qua, Công ty Giày Nhất Liên Minh đã khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy mới tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Dù mới chuyển về địa phương này, nhưng công ty này đã nhanh chóng tuyển dụng được 300 lao động.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM cho biết, Hội chưa đánh giá hết mặt tích cực hay tiêu cực của việc DN chuyển nhà máy về các địa phương lân cận. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, DN có thể đưa ra quyết định phù hợp.