Doanh nghiệp dầu khí trong tâm điểm thoái vốn

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

PV Gas đang xây dựng kế hoạch triển khai thoái vốn của PVN tại PV Gas xuống 65%. Còn ba “ông lớn” khác thuộc PVN là PV Oil, PV Power và Lọc hóa dầu Bình Sơn đồng loạt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2018 chứ không thể lỗi hẹn. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn ngành dầu khí được kỳ vọng sẽ tạo luồng sinh khí mới sau những biến động vừa qua.

Kế hoạch thoái vốn nhà nước của PVN tại PV Gas từ năm 2018 – 2020 xuống còn 65%. Nguồn: Internet
Kế hoạch thoái vốn nhà nước của PVN tại PV Gas từ năm 2018 – 2020 xuống còn 65%. Nguồn: Internet

Kế hoạch thoái vốn nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) từ năm 2018 – 2020 xuống còn 65% đang tạo sự quan tâm từ nhiều đối tác lớn bên ngoài muốn mua lại số cổ phần này ở một doanh nghiệp đang đóng góp 30% lợi nhuận cho PVN. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngoại qua tiếp xúc đều bày tỏ mong muốn là cổ đông chiến lược và họ vẫn đang chờ đợi.

Thoái vốn những “con cưng”

Tại cuộc gặp mặt giới báo chí ở TP. Hồ Chí Minh ngày 23/1, ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT PV Gas, cho biết việc triển khai thoái vốn sẽ rất thận trọng, xây dựng những phương án chi tiết để báo cáo lên PVN rồi báo cáo lên Thủ tướng để phê duyệt. Sau đó, doanh nghiệp còn phải thuê tư vấn giống như phương án thoái vốn của Vinamilk hay Sabeco.

“Chúng tôi vẫn mong muốn tìm cổ đông chiến lược do chúng tôi chủ động. Qua việc thoái vốn này không chỉ nhằm mang lại lợi nhuận lớn cho Nhà nước mà điều mong muốn là được tiếp nhận công nghệ và phương thức quản lý hiện đại của những NĐT chiến lược. Nhất là với những đối tác lớn nổi tiếng về ngành khí trên thế giới như Shell, Total hoặc các tập đoàn khí lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Linh chia sẻ.

Dù thời điểm và phương thức thoái vốn tại PV Gas sẽ như thế nào vẫn chưa được thông tin chi tiết, nhưng doanh nghiệp này chắc chắn phải làm từ nay đến năm 2020. 

Ở một diễn biến khác, sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 12/2017 tại ba doanh nghiệp lớn thuộc PVN là công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), thì việc IPO trong quý I/2018 ở 3 đơn vị này đang được tiến hành khẩn trương.

PVN đã xác định thoái vốn tại ba “con cưng” này là nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn trong đầu năm nay, và đến lúc phải đúng hẹn chứ không thể thất hẹn như trước đây. Như PV Power, đây là một trong những DN thuộc diện cổ phần hóa giai đoạn 2014 – 2015. Tuy nhiên, việc e ngại khó khăn do chuyển giao 5 dự án nhiệt điện từ PVN sang PV Power khiến cho kế hoạch bị chậm lại. Còn PV Oil từng có kế hoạch cổ phần hóa, IPO năm 2016.

Tạo luồng sinh khí mới
Hoặc như Lọc hóa dầu Bình Sơn, cách đây 8 năm, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các NĐT, đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của Nhà nước để phục vụ cho các dự án. Năm 2015, Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện CPH BSR và chỉ giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Lọc hóa dầu Bình Sơn đã chính thức IPO hôm 17/1 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) mà theo đánh giá là vượt mọi mong đợi, Nhà nước thu về số tiền cao hơn 60% so với dự kiến. Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm nay, mở màn cho cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp trong ngành dầu khí nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung trong năm nay.

Như phương án đề ra, PVN nắm giữ 43% vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc lựa chọn NĐT chiến lược ưu tiên có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu và hoặc có tiềm lực về thị trường, có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa…

Với PV Power, hiện được định giá gần 1,5 tỷ USD và theo phương án PVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ. Tỷ lệ này có thể giảm xuống từ năm 2019, phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc các khoản nợ và đàm phán với các bên cho vay.

Số cổ phần bán cho NĐT chiến lược là 676 triệu cổ phần, chiếm gần 29% vốn điều lệ. NĐT chiến lược phải kinh doanh có lãi trong 2 năm gần nhất, không có lỗ lũy kế. Đồng thời cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm. Phiên IPO của PV Power dự kiến diễn ra vào ngày 31/1/2018.

Sản xuất điện cũng là hoạt động chính của doanh ghiệp này, đóng góp hơn 90% doanh thu hàng năm. Tính đến hết năm 2017, PV Power đã cung cấp vào mạng điện lưới quốc gia hơn 150,8 tỷ kWh; Doanh thu khoảng 202.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 11.650 tỷ đồng

Với PV Oil, phiên IPO (dự kiến diễn ra ngày 25/1/2018) cũng đang được nhiều NĐT mong đợi khi đây là nhà bán lẻ xăng dầu có thị phần số 2 tại Việt Nam sau Petrolimex. 

Hơn nữa, đây là doanh nghiệp độc quyền trong việc xuất bán dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế. Bên cạnh đó, PV Oil còn kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu. Giá khởi điểm mà PV Oil đưa ra 13.400 đồng/cổ phần. Nếu thành công, dự kiến PV Oil sẽ thu về tối thiểu 2.771 tỷ đồng cho Nhà nước.