Doanh nghiệp dệt may lạc quan bứt phá

Theo VIR

Dưới ánh sáng của hàng trăm bóng điện, hơn 400 công nhân của Xí nghiệp May 261 (Hà Nội) đang nỗ lực hoàn thành các lô hàng xuất khẩu sang Đông Âu, Mỹ, Nga và Đức. Các lô hàng này nằm trong các hợp đồng xuất khẩu tới các thị trường trên vào quý I và quý II/2013.

Ông Nguyễn Viết Thăng, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, trong năm 2012, xí nghiệp này đạt mức doanh thu kỷ lục 174 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 150 tỷ đồng. “Đây là mức doanh thu khá bất ngờ của chúng tôi, nhất là trong bối cảnh khoảng 2.000 công ty dệt may trong nước và nước ngoài tại Việt Nam bị đình trệ sản xuất và phá sản trong năm qua”, ông Thăng hồ hởi.

Theo ông Thăng, Công ty cổ phần May 26 - công ty mẹ của Xí nghiệp May 261 - cũng dự kiến đạt tổng doanh thu (từ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) là 450 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Công ty này cũng dự kiến đạt tổng doanh thu 470 tỷ đồng vào năm nay, mặc dù tình hình kinh tế được nhận định còn rất nhiều khó khăn.

Hơn 1.500 công nhân của Công ty May KJ Vina (Hàn Quốc) ở tỉnh Bình Dương cũng đang hối hả chuẩn bị thực hiện hợp đồng với các đối tác Mỹ và châu Âu cho những tháng đầu năm 2013. Theo một nguồn tin từ KJ Vina, công ty này đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu 5 triệu USD cho năm 2013, sau khi đã đạt mức doanh thu xuất khẩu 4,8 triệu USD vào năm ngoái.

Tại cuộc họp báo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực của Vinatex cho biết, dù kinh tế khó khăn trong năm 2012, nhưng ngành dệt may vẫn bứt phá và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Dự kiến, ngành sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 18,8 - 19,3 tỷ USD trong năm 2013, trong đó, thị trường Mỹ sẽ là 8,5 tỷ USD, EU (2,4 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Hàn Quốc (1,5 tỷ USD) và các thị trường khác (4,3 tỷ USD).

Ông Trường cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi dệt các loại của toàn ngành dệt may năm 2012 ước đạt 17,2 tỷ USD (tăng 8,5% so với năm 2011) là cơ sở để ngành này đưa ra các mục tiêu khá lạc quan nêu trên. Đặc biệt, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng ổn định, mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm. “Điều này cho thấy, dệt may Việt Nam ngày càng uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới”, ông Trường nói.

Nếu như toàn nền kinh tế trong năm qua có 25 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì ngành dệt may đóng góp 4 thị trường lớn là Mỹ (7,5 tỷ USD), EU (2,45 tỷ USD), Nhật Bản (hơn 2 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,3 tỷ USD).

Theo Vinatex, mức tăng trưởng doanh thu trên 12% so với năm trước và mức tăng trưởng xuất khẩu 16-18% so với năm trước được coi là “tốt”. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này, rất nhiều tổng công ty như Phong Phú, Hòa Thọ, May Nhà Bè, Đức Giang, May Hưng Yên, Việt Tiến, Vinatex Đà Nẵng và nhiều công ty con của các tổng công ty này đều đáp ứng, thậm chí còn vượt gấp đôi các tiêu chuẩn trên.

Ông Trường cũng cho biết, năm 2013, bên cạnh khó khăn, cũng có tín hiệu tốt hơn cho dệt may Việt Nam, trong đó có những thuận lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu việc ký kết TPP thành công, thì xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các nước đối tác, đặc biệt là Mỹ, sẽ tăng rất mạnh. Ngoài ra, năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU và kỳ vọng, thị trường EU sẽ khởi sắc hơn, giúp ngành dệt may mở ra những cơ hội mới đối với thị trường đầy tiềm năng này.