Doanh nghiệp đổi mới hay để phá sản?

THS. ĐẶNG QUỐC TIẾN

(Tài chính) Muốn bám trụ, vượt qua khủng hoảng lúc này thì doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới.

 Doanh nghiệp đổi mới hay để phá sản?
Luôn đổi mới, có chiến lược kinh doanh rõ ràng là một trong những chìa khóa để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững. Nguồn: internet

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê sáng ngày 23/12, năm 2013 có đến 60.737 DN gặp khó khăn, phải chịu phá sản hoặc ngừng hoạt động. Sau khi trụ được qua cuộc khủng hoảng kinh tế, giờ là lúc những DN đó hết sức. Để tồn tại và phát triển được, DN buộc phải nhìn lại mình, tư duy chiến lược và hoạch định chiến lược kinh doanh mới.

Tái cấu trúc không ngừng để đột phá

Vào những năm 2002, Citibank đã là một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ và thế giới. Việt Nam khi đó còn là một thị trường mới mẻ nhưng vì mới nên có nhiều cơ hội. Trong lần làm việc với Citibank, tôi hỏi họ tại sao không thành lập ngân hàng của họ ở Việt Nam thời điểm đó. Citibank đáp rằng họ cần tìm hiểu hành lang pháp lý, luật đầu tư nước ngoài, thị phần của các ngân hàng nước ngoài và các ngành hàng họ quan tâm ở Việt Nam.

Dù là một DN lớn, nhiều kinh nghiệm đầu tư nhưng Citibank vẫn phải dành nhiều năm để nghiên cứu kỹ thị trường. Vậy mà đã có lúc Citibank rơi vào khủng hoảng, giá cổ phiếu từ vài trăm USD/cổ phiếu xuống chỉ còn 15 cents. Citibank đứng bên bờ vực phá sản. May mắn cho ngân hàng này khi được cứu nhờ chính phủ rót tiền và tái cấu trúc. Chẳng bao lâu sau, nhờ vào hiệu quả của việc tái cấu trúc đúng đắn, Citibank đã phục hồi và hiện nay họ đã trở thành một trong những ngân hàng lớn mạnh nhất thế giới.

Bên cạnh Citibank, Maybank cũng là một minh chứng rằng tầm nhìn, chiến lược và sự cẩn trọng trong đầu tư, tái cấu trúc kịp thời quyết định thành công DN. Vào năm 2007, Maybank đang là ngân hàng lớn của Malaysia.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng này vẫn quyết định xây dựng chiến lược chuyển đổi. Họ đã thay tổng giám đốc và một số nhân viên để tạo đột phá về nhân sự phù hợp với chiến lược mới. Họ đề cao sức sáng tạo, chia sẻ những sáng kiến kinh doanh cho các chi nhánh mỗi tháng. Kết quả cuối năm 2008, Maybank đã đạt được lợi nhuận cao. Và chỉ sau vài năm, Maybank trở thành ngân hàng của khu vực.

Người ta “nhảy vào” thì mình phải “nhảy ra”

Cái tai hại của chúng ta hiện nay là “làm ào ào theo phong trào” mà không đầu tư nghiên cứu, không rút kinh nghiệm. Đó là lý do tại sao một DN phá sản thì hàng loạt DN tương tự hoặc có sự liên quan cũng phá sản theo.

Một “bằng chứng đau đớn” là ngành bất động sản. Những năm trước, nhiều đại gia phát tài nhờ kinh doanh thị trường nhà, đất. Thế là ai cũng đổ vốn vào đầu tư với hy vọng kiếm lời nhanh. Khi đó giá nhà, đất bắt đầu bị DN tạo bong bóng. Hậu quả là khi bong bóng căng quá sức chịu đựng của thị trường, bong bóng bất động sản vỡ, ước mơ giàu nhanh cũng biến mất và DN phá sản hàng loạt.

Mbbank đã có một khách hàng là một DN bất động sản gặp khó khăn vì không giải quyết được vấn đề vốn khi đầu tư vào căn hộ cao cấp. Vì thế DN không thể tiếp tục hoàn thành dự án. Sau khi đã nghiên cứu, Mbbank quyết định mua lại chính những căn hộ cao cấp đó và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Thay vì các căn hộ trước đây có diện tích 100-200 m2, nay chia nhỏ thành 50-60 m2, giá chỉ khoảng 700-800 triệu đồng/căn. Kết hợp với gói tín dụng ưu đãi cho người mua từ ngân hàng, sản phẩm trên ngay sau khi tung ra đã bán nhanh vượt kế hoạch dự kiến bốn tháng.

Đó là một cách tái cấu trúc theo cách làm khác người. Một lần trao đổi về tư duy chiến lược với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel (ông được cho là linh hồn của Viettel), ông Hùng cho rằng chiến lược của Viettel rất đơn giản: “Người ta nhảy ra thì mình nhảy vào và người ta nhảy vào thì mình nhảy ra”. Có lẽ vì thế mà Viettel đã có những thành công trong nhiều năm qua.

Sáu yếu kém của DN vừa và nhỏ hiện nay:

1. Có tới 80% DN vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 7 tỉ đồng nhưng có đến khoảng 90% DN phải đi vay vốn ngân hàng. Thế nên khi kinh tế khủng hoảng, DN bị tác động mạnh mẽ.

2. Báo cáo tài chính của các DN thường không minh bạch. Họ luôn có hai báo cáo thuế và báo cáo nội bộ (chỉ có chủ DN mới biết được thực tế) về tình hình tài chính của DN. Đây là điều rất khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn.

3. Hầu hết các DN vừa và nhỏ đều chưa xây dựng cho mình hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả. Thế nên ngay cả khi tổng nguồn vốn và tổng tài sản của DN không bị mất cân đối nhưng DN vẫn rơi vào tình trạng phá sản.

4. Công nghệ sản xuất của DN không được liên tục đổi mới, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của người dùng.

5. Nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Số lượng được đào tạo bài bản rất ít, chỉ chiếm 30% số lao động. Chưa có chiến lược đào tạo lao động lâu dài.

6. Quản trị nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Sử dụng nhân lực chưa đúng người, chưa đúng việc, chưa có chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ kịp thời.