Doanh nghiệp đua bán cổ phần trừ nợ

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Nhiều chủ nợ trở thành cổ đông sau khi đã quy những khoản nợ thành cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp (DN) đó.

 Doanh nghiệp đua bán cổ phần trừ nợ
Nhiều DN phát hành cổ phần để cấn trừ công nợ. Nguồn: internet
Nghị quyết đại hội cổ đông theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản mới đây của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) đã thống nhất phương án phát hành 100 triệu cổ phần, tương ứng với 1.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.

Mục đích nhằm hoán đổi (cấn trừ) công nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động. Số lượng cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ khi hoàn tất đợt phát hành.

Công ty sẽ chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và chủ nợ của công ty (số lượng dưới 20 nhà đầu tư) và không phân biệt cổ đông mới hay cổ đông hiện hữu. Giá chào bán có thể thấp hơn giá trị sổ sách nhưng tối thiểu là 10.000 đồng một cổ phần.  

Theo lý giải của công ty, việc hoán đổi công nợ bằng cổ phần là bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nguồn vốn nhằm giảm đáng kể các khoản nợ phải trả đồng thời bổ sung nguồn vốn lưu động giúp ổn định sản xuất kinh doanh.

Báo cáo soát xét 6 tháng cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 180 tỷ đồng, giảm hơn 2 lần so với cùng kỳ. Khoản nợ dài hạn đến hạn trả khác là 887,7 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ. Công ty có 10 khoản trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng, trong đó khoản trái phiếu 700 tỷ đồng sẽ thanh toán vào giữa năm sau.

Một công ty khác mà ông Đặng Thành Tâm có sở hữu cổ phần là ITA cũng áp dụng phương thức lấy cổ phần để cấn trừ nợ. Vào cuối quý I, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển khu công nghiệp Tân Tạo (mã CK: ITA) phát hành hơn 115 triệu cổ phiếu, tương đương 1.156 tỷ đồng. Có 4 nhà đầu tư tham gia gồm: Công ty cổ phần Đại học Tân Tạo, Công ty cổ phần Delta miền Nam, Công ty cổ phần truyền thông giải trí và sản xuất Media Ban Mai và quỹ ITA vì tương lai.

Cuối tháng 8, Đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (mã CK: HT1) thống nhất phương án phát hành 120 triệu cổ phiếu để tất toán và cấn trừ nợ dài hạn cho Vicem. Dự kiến sau đợt phát hành này, Vicem sẽ tăng nắm giữ HT1 từ 67,38% lên 79, 69%. Quý III, công ty lỗ 42,7 tỷ đồng so với cùng kỳ, nguyên nhân do chênh lệch tỷ giá, nợ phải trả lên tới 11.140 tỷ đồng, trong khi đó tiền và tương đương tiền chỉ 137,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm.

Với tổng số nợ phải trả đến 30/9 là 124 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản, Công ty cổ phần CMISTONE Việt Nam đã thông qua việc phát hành riêng lẻ trị giá 2,57 tỷ đồng để cấn trừ công nợ, giá dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng. Quý III công ty lãi 5 tỷ đồng.

Thực hiện xong kế hoạch này trước các DN trên là Công ty cổ phần  tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC). Trong buổi họp đại hội cổ đông hồi đầu năm, công ty thông qua tờ trình phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ với số lượng 18 triệu cổ phần, tương đương 180 tỷ đồng.

Đối tượng cấn trừ bao gồm Công ty cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kong và Công ty cổ phần Việt Kiến trúc. Ngày 26/7, Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh có quyết định chấp thuận cho công ty này được niêm yết bổ sung số lượng cổ phần trên.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay, đây là giải pháp tạm thời giúp DN giảm hệ số đòn cân nợ, giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài không tốt vì không thể hiện sự cân bằng dòng tiền.

Về nguyên tắc, DN phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tăng vốn kinh doanh chứ không phải trả nợ. Thông thường, tiền trả nợ huy động từ nhiều nguồn như: vay ngân hàng, phát hành trái phiếu... Việc phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ sẽ tạo ra rủi ro là không cân xứng giữ nguồn vốn, cách sử dụng vốn và chi phí vốn (chi phí phát hành khá đắt đỏ, trong khi giá phát hành không cao). Còn đối với đơn vị bị cấn trừ sẽ thành cổ đông của DN.

"Quyền sở hữu bị pha loãng (có nghĩa là trước đây có 5 cổ đông nhưng nay đến 10 cổ đông). Nếu như cổ đông này tham gia điều hành, họ phải am hiểu lĩnh vực đó, nhưng nếu là DN chuyên về thương mại nhưng nay lại nhảy vào điều hành sản xuất dẫn tới rủi ro cho công ty", ông Lực nói.

Theo đó, ông Lực khuyên, bên phát hành và bên được cấn trừ chỉ nên coi đó là giải pháp tạm thời và nên tìm nguồn vốn bài bản hơn thông qua kênh vốn tương thích  như ngân hàng, thị trường trái phiếu hoặc tín dụng thương mại. Riêng DN mua cổ phiếu cần có chiến lược thoái vốn phù hợp, nếu không có nhiều kiến thức chuyên môn về nhóm ngành mới để tránh rủi ro về sau.