Doanh nghiệp đua nhau tăng vốn, “mẻ lưới” cuối?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Cơ chế kiểm soát việc doanh nghiệp tăng vốn có kẽ hở và có dấu hiệu cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành tăng vốn để “chạy” cơ chế.

Doanh nghiệp đua nhau tăng vốn, “mẻ lưới” cuối?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề xuất cơ chế: đối với số cổ phiếu chưa phân phối hết trong thời gian chào bán của đợt chào bán ra công chúng. Nguồn: internet

Cổ phiếu “ế” cũng không nên bán rẻ

Sau loạt bài về chủ đề DN niêm yết đua nhau tăng vốn “khủng”, ĐTCK nhận được phản ánh của NĐT rằng, có không ít DN phát hành cổ phiếu riêng lẻ và hoàn toàn do HĐQT công ty quyết định, gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu. Chẳng hạn, CTCP CMISTONE Việt Nam (CMI) thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một nhóm cổ đông hiện hữu do HĐQT đề xuất với giá bằng 50% thị giá. HĐQT có quyền ban phát lợi ích cho một nhóm cổ đông như vậy, chẳng khác nào lấy tiền của cổ đông khác chia cho người nhà của họ. Những cổ đông hiện hữu khác cầm chắc thiệt thòi về quyền lợi.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 13/2/2015, CMI đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/CP cho 49 NĐT tổ chức và cá nhân, qua đó tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng.

Liên quan đến những thiệt hại mà các cổ đông hiện hữu đang phải đối mặt, theo phản ánh của giới đầu tư, xuất phát từ việc ĐHCĐ thường ủy quyền cho HĐQT toàn quyền xử lý số cổ phần phát hành không hết trong các đợt chào bán cổ phần ra công chúng. Nắm quyền hành trong tay, có trường hợp HĐQT của công ty bán nốt số cổ phiếu phát hành “ế” cho các NĐT bên ngoài, với giá thấp hơn thị giá trên sàn tính tại thời điểm chốt quyền. Việc này gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu, bởi cổ đông bên ngoài không phải gánh chịu tác động tiêu cực do giá cổ phiếu điều chỉnh giảm như với cổ đông hiện hữu khi DN tiến hành chốt quyền mua.

Bất cập trên sắp được giải quyết khi trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề xuất cơ chế: đối với số cổ phiếu chưa phân phối hết trong thời gian chào bán của đợt chào bán ra công chúng, trường hợp đã được ĐHCĐ ủy quyền, HĐQT được chào bán số cổ phiếu chưa phân phối hết trong thời gian chào bán với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp ĐHCĐ có chấp thuận khác hoặc cổ phần được bán qua Sở GDCK.

Vợt mẻ vốn cuối?

Một diễn biến đang gây chú ý trong mùa ĐHCĐ năm nay là hàng loạt DN lên kế hoạch tăng vốn “khủng”, với tham vọng huy động hàng nghìn tỷ đồng. Việc tăng vốn của các DN niêm yết là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phương án tăng vốn của không ít DN có dấu hiệu bất thường: chỉ trong thời gian ngắn, DN liên tiếp tăng vốn điều lệ lên 2 - 3 lần; phương án tăng vốn rơi vào các DN có cổ phiếu bị nghi vấn làm giá; có DN chưa sử dụng hết số vốn vừa huy động được đã lên kế hoạch tăng vốn tiếp…

Giới đầu tư cho rằng, diễn biến này phần nào có liên quan đến động thái siết điều kiện tăng vốn mà Bộ Tài chính, UBCK đang tiến hành, khi sửa đổi Nghị định 58.

Theo đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 58 bổ sung quy định về tài khoản phong tỏa, thời gian thực hiện một đợt chào bán riêng lẻ; yêu cầu DN có báo cáo về sử dụng vốn được kiểm toán... Một khi Nghị định 58 (sửa đổi) được thông qua và đưa vào áp dụng, thì việc tăng vốn của các DN sẽ không dễ dàng và ồ ạt như hiện tại.

Lãnh đạo UBCK cho biết, theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58 sẽ được trình Chính phủ trong quý III/2015, nhưng UBCK đang cố gắng trình Chính phủ trong thời gian sớm hơn để đưa vào áp dụng ngay trong năm 2015.

Trước “đường đi” của chính sách như vậy, rất có thể một số DN đang tìm cách tăng vốn “khủng” để kịp né cơ chế trước khi bị siết. Đây là điều NĐT cần cảnh giác khi giao dịch cổ phiếu của các DN có dấu hiệu bất thường về tăng vốn để tránh rủi ro như đã từng xảy ra với những DN tăng vốn bất thường trong quá khứ.