Doanh nghiệp EU “đổ bộ” vào Việt Nam

Theo phapluattp.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) châu Âu sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam nếu Chính phủ giải quyết được những rối rắm hành chính và tham nhũng.

Doanh nghiệp EU “đổ bộ” vào Việt Nam
Thời gian tới, EU sẽ chủ trương DN đầu tư hướng vào từng lĩnh vực. Nguồn: internet
Ngày 12/11 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Antonio Tajani, Phó Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), đã dẫn đầu phái đoàn cùng hơn 50 DN châu Âu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Mục đích nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, đồng thời giúp DN châu Âu nắm bắt và khai thác kinh doanh.

Sẽ thay đổi phương thức đầu tư

Ông Tajani, Phó Chủ tịch EU, cho biết Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Để tạo điều kiệp hợp tác kinh doanh, phía EU cũng đã thành lập trung tâm Mạng lưới DN EU - Việt Nam tại Việt Nam nhằm cung cấp những thông tin có giá trị cho DN hai bên. Theo đó, trung tâm sẽ hỗ trợ cho nhiều DN nhỏ và vừa EU đang tìm cơ hội đầu tư (châu Âu có hơn 23 triệu DN nhỏ và vừa).

Với mạng lưới thông tin mới, sẽ có sự tham gia của 28 đại sứ tại các nước EU cùng một vị đại sứ chung EU sẽ tập hợp thông tin về thị trường, thu hút DN châu Âu mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực DN EU tập trung hợp tác đầu tư với Việt Nam là nông nghiệp, chế tạo hàng hóa và du lịch. EU cũng sẽ làm việc với chính phủ từng nước trong liên minh có chính sách hỗ trợ cho DN khi đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khảo sát mới đây, có gần 40 DN EU dự kiến tăng đơn hàng, 50% DN EU sẽ có kế hoạch gia tăng nhân sự tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.

Trước đây, DN châu Âu thường chủ yếu đầu tư theo dạng chuyển dịch sản xuất sang các nước có nhân công giá rẻ. Kiểu đầu tư này rất nguy hiểm và chủ yếu nhờ gia công, không bền vững. Thời gian tới, EU sẽ chủ trương DN đầu tư hướng vào từng lĩnh vực, đầu tư theo dạng liên doanh cùng với DN Việt Nam, sẽ phát huy hết năng lực của DN hai phía.

“Ở chiều ngược lại, châu Âu sẽ tạo mọi điều kiện cho DN Việt Nam đầu tư vào thị trường này. Với thu nhập cá nhân ngày càng tăng, nhiều người dân châu Á, đặc biệt ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho các sản phẩm hàng hiệu châu Âu. Vì vậy, sắp tới EU sẽ tiến hành thuận lợi hóa thị thực cho các du khách ở bốn nước trên, cụ thể sẽ đề xuất miễn thị thực.

Cần làm “sạch” môi trường kinh doanh

Mặc dù tin tưởng tiếp tục đầu tư nhưng nhiều DN EU rất lo ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Đại diện cho các DN EU ngành ô tô chia sẻ: “Năm 2012, doanh thu ngành ô tô Việt Nam đã sụt giảm hơn 50%, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu vì kinh tế khó khăn. Yếu tố thủ tục hành chính, hải quan phiền hà là trở ngại lớn đối với DN EU khi vào Việt Nam. Phải hoàn thành hàng chục thủ tục hải quan, thuế, tốn nhiều thời gian để nhập được một chiếc xe. Đấy là chưa nói đến các chính sách pháp luật thay đổi hầu như thường xuyên, nhiều quy định khiến DN cũng đau đầu”.

Một lo ngại được đa số DN EU sang Việt Nam lần này đề cập nhiều là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các DN EU cho rằng ở Việt Nam, vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực đã trở nên phổ biến. Cơ quan thực thi pháp luật thì khả năng quá yếu, xử phạt lại quá thấp. Ngoài ra các DN EU cũng đề cập đến vấn đề tham nhũng, họ cho biết không tạo quan hệ với chính quyền với nhiều thế lực thì kinh doanh không thể thuận lợi.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, cho biết khoảng một nửa DN tham gia khảo sát cho rằng các quy định hành chính, pháp lý trong năm 2014 sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ. Phía EuroCham đã công bố ấn phẩm Sách Trắng 2014, theo đó DN châu Âu cũng kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam ưu tiên làm “sạch” môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế từ hai phía.