Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Xử lý thế nào?

TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT)

(Tài chính) Theo báo cáo bước đầu của Bộ KHĐT, các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500. Điều này không chỉ để lại hậu quả đối với địa phương nơi nhận đầu tư mà còn ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư trong nước.

Nhiều DN FDI đầu tư bài bản, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, vẫn kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Nguồn: chinhphu.vn
Nhiều DN FDI đầu tư bài bản, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, vẫn kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Nguồn: chinhphu.vn
Nguyên nhân DN FDI "bỏ trốn"

Xét từ góc độ DN và thị trường có thể nói nguyên nhân của tình trạng trên  là do thị trường biến động không theo đúng dự báo và mong muốn của nhà đầu tư; do nhà đầu tư thiếu vốn, sản phẩm không cạnh tranh được và có cả nguyên nhân do quản lý DN yếu kém.

Từ góc độ quản lý Nhà nước thì có nguyên nhân do khâu thẩm tra, cấp phép chưa đúng qui định, còn để lọt các nhà đầu tư yếu kém về tài chính, công nghệ cũng như việc buông lỏng khâu quản lý các DN FDI sau cấp phép.

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước sau cấp phép cho dự án FDI gồm các nội dung: Hỗ trợ, kiểm tra và giám sát DN với sự phối hợp giữa Sở KHĐT (quản lý về tiến độ triển khai dự án, về góp vốn), Sở Tài chính (quản lý về tài chính), ngành Thuế (quản lý về thuế), Sở Công Thương (quản lý về tiêu thụ sản phẩm và thị trường), Sở LĐTBXH (quản lý về lao động, tiền lương và việc làm), Sở Tài nguyên và Môi trường (quản lý về bảo vệ môi trường)…

Nhìn sự phân công, phân cấp quản lý như trên thì thấy rất chặt, nhưng từ thực tế hoạt động của DN FDI có thể nhận ra rằng, có lẽ chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước nào trên địa bàn thường xuyên cập nhật để tổng hợp và nắm chắc được tình hình cũng như các biến động trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của từng doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Ngay cả Sở KHĐT (thường được coi là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động FDI trên địa bàn) cũng không có đầy đủ và kịp thời các thông tin về tình hình nộp thuế, xuất nhập khẩu, số lượng lao động, chế độ tiền lương, tình hình thực hiện hợp đồng lao động giữa người lao động với chủ doanh nghiệp… tại các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bên cạnh đó, do điều kiện khách quan (không đủ người, phương tiện kĩ thuật quản lý thông tin, báo cáo thống kê còn thiếu) nên việc quản lý chủ yếu dựa vào các báo cáo của DN, dựa vào sự chủ động và ý thức tự giác của DN trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật khi đã đi vào hoạt động sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN chưa tuân thủ đầy đủ các quy định, trước hết là các quy định về chế độ báo cáo thống kê…; nhiều DN không báo cáo, nhưng chúng ta vẫn  thiếu quy định, chế tài xử lý.

Tình hình tại các địa phương như vậy, nên dẫn đến việc các bộ, ngành ở Trung ương cũng không thể kịp thời nắm bắt được tình hình các DN FDI trên phạm vi cả nước.

Bịt "lỗ hổng" trong công tác quản lý

Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không bỏ qua vấn đề DN FDI bỏ trốn, với các giải pháp từ góc độ quản lý Nhà nước ở khâu quản lý sau cấp phép.

Cụ thể, tại phần điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư, Nghị quyết 103 chỉ rõ: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Quy định chế tài đủ mạnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định của pháp luật (như không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thống kê, không thực hiện nghiêm túc pháp luật về lao động,…) kể cả DN và các cơ quan có thẩm quyền…

Bộ KHĐT và các bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng cường phối hợp, rà soát; khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án đầu tư nước ngoài.

Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng qui chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài theo hướng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, cần nhận thấy, thời hạn phải hoàn thành những yêu cầu trên tại Nghị quyết 103 (quý IV/2013) là ngắn và rất gấp, nên nếu việc thực hiện không được đổi mới, không tập trung sẽ khó hoàn thành yêu cầu đúng hạn với chất lượng cao.