Doanh nghiệp FDI: Lớn không hẳn là khỏe

Theo Thời Báo Ngân hàng

Dù được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư lớn vào sản xuất tại Việt Nam, nhưng phần sản xuất thực tế chỉ gồm một vài linh kiện đơn giản nhất. Trong khi đó, lao động sử dụng là loại phổ thông, chủ yếu là người ngoại tỉnh, đã thể hiện rất rõ phần công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ điện tử tại Việt Nam không có gì đáng kể và còn mang nặng tính gia công.

Doanh nghiệp FDI: Lớn không hẳn là khỏe
Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu là lắp ráp. Nguồn: Internet

Với sự xuất hiện của hai tập đoàn là Canon Việt Nam và Panasonic, khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã hình thành một hệ thống hàng chục doanh nghiệp (DN) hỗ trợ đến từ Nhật Bản. Việc tập trung chuyên môn hóa ở trình độ cao khiến nơi đây được coi là “Trung tâm sản xuất máy in của thế giới”.

Hiện tại, khoảng 20 nghìn lao động của Canon làm ra khoảng 6 triệu máy in và 1,3 triệu máy scaner mỗi năm với kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD/năm. Nhưng, việc nhiều DN FDI quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn gần đây chưa cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện. Nhiều lo ngại sự không bền vững của dòng đầu tư này vẫn còn.

Theo ghi nhận của Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như Canon, Toyota, Yamaha, Panasonic, GM, Hyundai, Daewoo... đã đầu tư số vốn lớn để sản xuất các sản phẩm cơ điện tử tại Thủ đô.

Chỉ tính riêng nhóm sản phẩm máy in phun, điện tử gia dụng, thiết bị y tế, biến thế, xe máy, được sản xuất bởi DN FDI tại Hà Nội, trong 5 năm trở lại đây, số vốn đầu tư cho tổ chức sản xuất các sản phẩm này đã tăng gấp 2 lần, đạt khoảng 1 tỷ USD.

Có sản lượng rất lớn, dẫn đầu ngành công nghiệp Thủ đô cả về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu, nhưng các sản phẩm điển hình tại Hà Nội là máy in văn phòng, ô tô, xe máy... đều có tỷ trọng giá trị lắp ráp rất cao, giá trị gia tăng thấp.

Theo ông Lưu Minh Đức (Phòng quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương Hà Nội), “trong khi sản phẩm cơ điện tử thường mang tính kết hợp cao, có tính quốc tế, nhưng đồng thời cũng phải tạo ra được giá trị cốt lõi riêng, thì nhiều sản phẩm của ta chưa đạt yêu cầu này”.

Bởi lẽ, dù được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư lớn vào sản xuất tại Việt Nam, nhưng phần sản xuất thực tế chỉ gồm một vài linh kiện đơn giản nhất. Trong khi đó, lao động sử dụng là loại phổ thông, chủ yếu là người ngoại tỉnh, đã thể hiện rất rõ phần công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ điện tử tại Việt Nam không có gì đáng kể và còn mang nặng tính gia công.

Trên thực tế, giá trị nhập khẩu trong một đơn vị sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với phần chế tạo được trong nước. Do vậy dẫn tới năng lực cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng, không nổi trội hơn được các sản phẩm cùng loại, nhưng sản xuất tại các nước khác, chưa nói là kém hơn.

“Vẫn còn khoảng cách không những về quản lý, công nghệ mà cả chất lượng”, ông Đức nói. Mặc dù các hãng cơ điện tử lớn của Nhật Bản như Toyota, Honda, Yamaha... đều theo đuổi chính sách chất lượng toàn cầu, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn đánh giá sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam của các hãng trên không tốt bằng các sản phẩm lắp ráp tại chính quốc hay tại một số quốc gia khác trong khu vực.

Nhiều quan ngại lại dấy lên, khi cho rằng những khoản đầu tư lớn của các DN có tên tuổi trên thế giới vào Việt Nam có thể không tạo được hình ảnh một Việt Nam công nghiệp phát triển. Thậm chí còn lo ngại họ có thể rút ra bất cứ lúc nào nếu công nghệ thay đổi, hay ưu thế lao động giá rẻ của Việt Nam không còn...

Năm 2007, liên doanh lắp ráp ô tô Daihatsu Vietindo Vindaco đã phải đóng cửa sau 12 năm hoạt động do không bán được sản phẩm. Năm 2010, một DN lớn của Nhật Bản tại Việt Nam là Sony đã ngừng hoạt động. Một số sản phẩm từng là thế mạnh của DN FDI tại Hà Nội như tivi, đầu đĩa, đài đĩa CD... tới nay gần như vắng bóng trên thị trường. Năm 2012, do thị trường đình đốn nên nhiều DN lắp ráp ô tô đã phải cắt giảm sản lượng. Đó đều là những bài học nhãn tiền.