Doanh nghiệp FDI niêm yết vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của lỗ

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp FDI luôn có được sự ưu đãi về đất đai, thuế suất, lãi vay… Thế nhưng với con số 720/870 doanh nghiệp sai phạm trốn thuế từ Tổng cục Thuế cho biết khiến nhiều người không khỏi giật mình hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Với doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn 6 tháng đầu năm 2014 đã có được 5/7 đơn vị có lãi thế nhưng con số tổng chung vẫn là lỗ.

Số liệu lợi nhuận dần đẹp hơn!

Trước đây có được 9 doanh nghiệp FDI niêm yết, tuy nhiên kết quả kinh doanh bê bết và lỗ triền miên đã khiến Full Power (FPC) và Thực phẩm Quốc tế (IFS) phải rời sàn chứng khoán. Còn lại 7 doanh nghiệp nhìn chung có tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2014 khi tổng doanh thu tăng 8% so cùng kỳ, ở mức 2,824 tỷ đồng, và lợi nhuận mang lại vẫn là con số âm dù mức lỗ có sụt giảm.

Ấn tượng nhất là Công ty Mirae (HOSE: KMR), tăng trưởng 24% doanh thu khi đạt 149 tỷ đồng, lãi ròng đạt 11 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ; theo đó EPS cũng tăng mạnh nhưng vẫn còn rất thấp, tương ứng chỉ 278 đồng. Công ty được biết đến với cổ đông chủ chốt là Mirae Fiber Tech của Hàn Quốc sở hữu 13.2% vốn và 8 cá nhân người Hàn thuộc HĐQT sở hữu 20% (cuối quý 2/2014).

Xếp vị trí “á quân” về tăng trưởng lợi nhuận là Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (HOSE: TYA) với lãi ròng tăng 77%, đạt 21.4 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ vào giá nguyên liệu đồng trên thế giới trong 6 tháng đầu năm ổn định so với cùng kỳ làm cho giá vốn giảm, tạo ra tăng trưởng mạnh về lợi nhuận. Tương tự KMR, toàn bộ 7 thành viên trong HĐQT TYA đều là các cá nhân người Đài Loan. Còn cổ đông sáng lập là Công ty mẹ Taya tại Đài Loàn hiện vẫn nắm giữ 80% vốn.

Phần lớn các khoản vay của các doanh nghiệp FDI niêm yết đến từ các ngân hàng nước ngoài, rất ít doanh nghiệp tìm đến ngân hàng Việt Nam để tiếp cận tín dụng. Chỉ có CYC còn lại khoản vay ngắn hạn 58 tỷ đồng từ VCB-Nhơn Trạch; RIC, KMR toàn bộ khoản vay dài hạn từ các ngân hàng trong nước lần lượt là 98.7 tỷ đồng và 517 triệu đồng. Các doanh nghiệp này đều tập trung vào hoạt động chính và không mặn mà với các hoạt động đầu tư tài chính.

May mắn thoát lỗ là Công nghiệp Gốm sứ Taicera (HOSE: TCR), từ lỗ nặng nhất hơn 71 tỷ đồng của cùng kỳ thì nay đã có lãi 300 triệu đồng. Hay Everpia Việt Nam (HOSE: EVE) bất ngờ lãi lớn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 200 triệu đồng nhờ vào chi phí tài chính và thuế suất giảm.

Được biết, tại EVE, ngoài ông Lee Jae Eun – Chủ tịch HĐQT sở hữu gần 16% thì đây là doanh nghiệp FDI duy nhất có nhiều cổ đông lớn là tổ chức nắm giữ như Red River Holdings 12.3%, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) 10.2%, Quỹ thành viên Việt Nhất 6.4%. Bên cạnh đó HĐQT EVE cũng “cởi mở” hơn khi có được 3/7 là người Việt Nam. Trong khi đó tại TCR, ngoại trừ người công bố thông tin thì toàn bộ Ban lãnh đạo đều là người Đài Loan. Báo cáo thường niên 2013 ghi nhận cổ đông ngoại nắm giữ tại đây hơn 77% vốn điều lệ.

RIC dẫn đầu thua lỗ nhóm FDI

Cũng sản xuất vật liệu xây dựng như TCR, Gạch Men Chang Yih (HOSE: CYC) có cổ đông sáng lập là Công ty Chyih Investment nắm giữ 78% vốn điều lệ. Nếu như cùng kỳ CYC lãi thì nay lỗ hơn 4 tỷ đồng chủ yếu do thanh lý trạm than hóa khí lỏng (để chuyển sang dùng khí thiên nhiên). Kế hoạch lãi 11.5 tỷ đồng trong năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào 6 tháng còn lại, tuy nhiên cũng phải kể đến khoản phải trả nợ công ty mẹ 1 triệu USD của CYC.

Nặng nhất phải kể đến là Đầu tư Quốc tế Hoàng gia (HOSE: RIC) khi lỗ 79 tỷ đồng do khách sạn Hoàng gia Hạ Long đi vào hoạt động khiến hàng loạt chi phí hoạt đồng gia tăng và phát sinh.

Tại RIC, ngoài cổ đông nước ngoài sáng lập là ông Nguyễn Đình Chính nắm giữ 6.7% (đã từ trần vào năm 2011 nhưng cổ phần nắm giữ vẫn để tên ông do gia đình chưa hoàn tất thủ tục thừa kế tại Đài Loan) thì còn có SCIC là cổ đông trong nước đồng thành lập và sở hữu 13.28% vốn điều lệ. Trước đây, ông Chính từng nắm giữ tới 59% vốn tại RIC nhưng đến tháng 12/2008 thì ông đã chuyển nhượng 27 triệu cổ phần của mình cho Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Khải Tiệp khi đơn vị này đồng ý hỗ trợ mọi điều kiện để RIC thực hiện các dự án. Điều này đã đưa Khải Tiệp trở thành công ty mẹ của RIC khi sở hữu 52% vốn tại đây.

Lãi ròng 6T/2014 của 7 doanh nghiệp FDI niêm yết

Doanh nghiệp FDI niêm yết vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của lỗ - Ảnh 1

Nguồn số liệu: VietstockFinance.                                    Đơn vị: Tỷ đồng

Công nghiệp Tung Kuang (TKU) có được doanh thu tăng nhẹ và đạt 495.5 tỷ đồng. Nhưng với tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu tới 91% và chi phí quản lý tăng 10% đã khiến cho lợi nhuận giảm đến 76%, chỉ đạt 6.8 tỷ đồng, tương ứng 28% kế hoạch năm. Chung đặc điểm về “quốc tịch” ban lãnh đạo, 9 thành viên trong HĐQT đều là người Trung Quốc. Đây cũng là doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao nhất với hơn 92%, chỉ riêng ông Chủ tịch Liu Cheng Min đã sở hữu gần 78% vốn điều lệ.

Giá cổ phiếu “hẩm hiu”

Ngoài yếu tố sức khỏe hoạt động kinh doanh thì tỷ lệ cổ tức cũng là một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn cho các cổ phiếu. Theo người viết thống kê thì trong năm 2013 không một doanh nghiệp FDI niêm yết nào có cổ tức dành cho cổ đông và năm 2014 cũng không thấy đề cập đến cổ tức là bao nhiêu!

Trong 7 doanh nghiệp FDI niêm yết thì có 2 doanh nghiệp không được giao dịch ký quỹ là RIC và TCR. Đa số cổ phiếu FDI này đều vắng bóng thanh khoản với khối lượng chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên, giá cổ phiếu lẹt đẹt dưới mệnh giá.

Giá cổ phiếu của 7 doanh nghiệp FDI niêm yết từ khi niêm yết đến ngày 29/08/2014

Doanh nghiệp FDI niêm yết vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của lỗ - Ảnh 2

Lợi nhuận thấp, cổ tức “nhạt nhẽo” khiến giá cổ phiếu của 6/7 doanh nghiệp đã giảm 60-90% kể từ khi niêm yết tới nay. Chỉ riêng EVE tăng được gần 30%, lên mức 26,500 đồng/cp tuy nhiên thanh khoản chỉ gần 2,000 cp/phiên. Còn KMR có thanh khoản khá khi đạt hơn 772,000 cp/phiên trong 3 tháng gần đây nhưng giá cũng đã giảm đi gần 80%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hơn 14 năm tuổi, và cũng từng ấy năm thị trường ngày càng có được sự hội nhập và thu hút nhiều doanh nghiệp lên sàn, thế nhưng số lượng các doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn hiện nay còn ít và hoạt động vẫn chưa tạo điểm nhấn so với các doanh nghiệp trong nước.