Doanh nghiệp là động lực để cải cách thể chế

Minh Hà

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo quốc tế “Khát vọng Việt Nam 2035- Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”, do VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 30/5.

Thể chế góp phần giải phóng DN và ngược lại DN góp phần thay đổi thể chế. Ảnh: Văn Trường
Thể chế góp phần giải phóng DN và ngược lại DN góp phần thay đổi thể chế. Ảnh: Văn Trường

Thể chế nào, doanh nghiệp đó

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một báo cáo triển vọng kinh tế mang tính dài hạn, định hướng tầm nhìn 20 năm. Điều này rất quan trọng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Vì các DN Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, lâu dài chứ không chỉ ngắn hạn.

Thực tế, DN ngày càng được coi trọng trong chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ. TS. Vũ Tiến Lộc dẫn Văn kiện Đại hội Đảng XII đã có những định hướng rất quan trọng và được nêu trong Báo cáo 2035: Xác định DN là nòng cốt, đi đầu, tiên phong trong phát triển nền kinh tế.

Chủ tịch VCCI cũng đánh giá cao các Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35/NQ-CP về phát triển DN của Chính phủ. Đồng thời, cộng đồng DN ghi nhận quyết tâm của Thủ tướng về một Chính phủ liêm chính, lấy người dân làm đối tượng phục vụ.

“Thể chế nào DN đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. DN và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là một mối tác động hai chiều”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của DN, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, DN tư nhân phải là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, là chìa khóa then chốt để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thông điệp quan trọng nhất của báo cáo này là đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, liên tục đổi mới là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển. Thực tế, việc tốc độ tăng năng suất cao, yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam có xu hướng giảm. Nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu hơn nữa.

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra thực trrạng đang diễn ra về việc thiên vị các DN nhà nước hay DN tư nhân có quan hệ thân hữu với nhà nước, đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp tối ưu với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh, làm méo mó thị trường.

Nếu không muốn tụt hậu thì phải cải cách

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thực tế hiện nay đã có sự cải cách thay đổi, nhưng tốc độ vẫn ở mức “từ từ”. Ngay cả việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, lãnh đạo chỉ đạo rất quyết liệt với tinh thần cải cách hướng tới giảm rủi ro, chi phí cho DN. Nhưng khi triển khai không ít bộ vẫn chưa thực hiện tốt.

Trong báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng, các thiết chế và thể chế hiện tại của Việt Nam đang gặp hai vấn đề lớn: tạo ra rào cản cho hoạt động tự chủ của khu vực tư nhân; năng lực yếu và trách nhiệm giải trình thấp.

Từ thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa DN thuộc khu vực tư nhân với các quan chức nhà nước là yếu tố thiết yếu tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư lâu dài về vốn và sự phát triển của các ngành thâm dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra sự bất cập của thể chế Việt Nam hiện tại, đó là Nhà nước bị phân mảnh, cát cứ theo chiều dọc và chiều ngang, trách nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách được trao cho nhiều cơ quan khác nhau ở Trung ương và địa phương.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI lưu ý, trước thời cơ chuyển đổi hiện nay, nếu quyết tâm nỗ lực thì trong 20 năm nữa, Việt Nam có thể đuổi kịp được mức phát triển của Hàn Quốc năm 2000, còn nếu không quyết tâm thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Khép lại bản báo cáo với nhận định đầy lạc quan: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên. Chúng tôi tin rằng, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới”./.