Doanh nghiệp ngại khởi kiện ra tòa vì lo “chạy án”

Theo Huyền Thanh/cand.com.vn

(Taichinh) - Nguyên nhân khiến DN cảm thấy ngần ngại khởi kiện ra tòa là mất nhiều thời gian, chi phí cao, hiệu quả thấp khi mà nạn “chạy án” vẫn còn phổ biến và trình độ của cán bộ Tòa án thì hạn chế...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo kết quả khảo sát về cảm nhận của doanh nghiệp (DN) về giải quyết tranh chấp tại Toà án do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, trong năm 2013 và 2014, chỉ có khoảng 52% DN muốn khởi kiện ra Tòa khi gặp tranh chấp và trên thực tế cũng mới chỉ có 6,3% DN đã từng sử dụng phương thức này để giải quyết tranh chấp.

Trong đó, nguyên nhân khiến DN cảm thấy ngần ngại nhất vẫn là mất nhiều thời gian, chi phí cao, hiệu quả thấp khi mà nạn “chạy án” vẫn còn phổ biến và trình độ của cán bộ Tòa án thì hạn chế.

Bình luận về kết quả khảo sát của VCCI, Luật sư Trần Văn Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội) khẳng định: Kết quả khảo sát trên phần nào cho thấy, sau 10 năm đưa vào thi hành, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia tố tụng nói chung và các DN nói riêng.

Trong đó, nhiều vụ án, vụ việc đơn giản nhưng xét xử đi, xét xử lại hàng chục năm, hàng chục lần gây tâm lý mệt mỏi cho các đương sự nên việc tham gia tố tụng là việc làm “cực chẳng đã” của các đương sự. Cũng theo chia sẻ của Luật sư Trần Văn Tiền, thực tiễn cho thấy các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn hiện nay còn nhiều bất cập. Và chính những quy định chặt chẽ đó vô hình trung đã hình thành nên những thiết chế tố tụng phức tạp, khó tuân thủ và gây tốn kém.

Có rất nhiều vụ việc tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp thấp, các bên đều đã thống nhất về nội dung tranh chấp và chứng cứ rõ ràng, song Tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định khiến quá trình tố tụng kéo dài, phải tính thời gian theo năm, đặc biệt là các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Điều này gây khó khăn đối với những chủ thể quý trọng thời gian và cơ hội như doanh DN, gây thiệt hại cho họ cả về thời gian và tiền bạc. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc số lượng án tồn đọng ngày càng tăng, quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, DN không được đảm bảo.

Đặc biệt, trong quá trình xét xử hiện vẫn còn tình trạng Thẩm phán “độc diễn”, Hội thẩm nhân dân ít có ý kiến và khi đưa ra kết luận cũng thường nghiêng theo ý chí của Thẩm phán. Vai trò của Viện Kiểm sát trong tố tụng vẫn còn mang tính hình thức, tham dự chỉ để “đủ thành phần” khi mà mối quan hệ quen biết lâu dài trong công tác đã làm cho họ ngại đưa ra những ý kiến phản bác đối với Tòa án và Hội thẩm nhân dân.

Mặt khác, về nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại “quyền lực mềm” đó là sự ảnh hưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với quyết định của Hội đồng xét xử trong việc giải quyết vụ án.

“Hệ quả là việc thẩm phán không công tâm, đem ý kiến của mình vào kết quả của phiên tòa cũng là vấn đề đang gây bức xúc hiện nay. Những vụ việc, vụ án bị xét xử một cách tùy tiện, thậm chí còn hủy vụ kiện một cách vô lý đã không còn là hiếm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho niềm tin của người dân, DN vào Tòa án ngày càng giảm sút”, Luật sư Tiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, có một thực tế là đội ngũ thẩm phán với trình độ không đồng đều, việc bổ sung tăng cường, luân chuyển chưa kịp thời nên có nơi thẩm phán ngồi chơi do ít việc, có nơi quá tải dẫn đến xét xử qua loa, việc nghiên cứu hồ sơ giao cho thư ký là chính… khiến cho chất lượng và tính chính xác của bản án bị suy giảm.