Doanh nghiệp ngoại lấn sân chợ bán lẻ

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Ở hầu hết ngành hàng, các doanh nghiệp (DN) ngoại mạnh tay “o bế” mạng lưới bán lẻ bằng những chương trình thưởng doanh số, phí trưng bày, hỗ trợ quầy kệ, tăng chiết khấu...

Doanh nghiệp ngoại lấn sân chợ bán lẻ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đã chịu nhiều thua thiệt ở kênh phân phối hiện đại, hàng Việt còn đứng trước nguy cơ mất dần kênh phân phối chợ truyền thống. Nguyên nhân là do hàng ngoại nhập, hàng của các công ty đa quốc gia đang ồ ạt lấn chiếm kênh phân phối chợ.

Mất dần thị trường

Sở hữu một thương hiệu khá lớn trong lĩnh vực chất tẩy rửa, ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho biết hiện rất khó tăng trưởng thị phần ở kênh phân phối hiện đại. Ở lĩnh vực này, ngoài sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia, DN còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhãn riêng của siêu thị.

“Không đủ lực cạnh tranh, nhiều DN phải gia công cho các DN đa quốc gia, cho siêu thị để tồn tại. Thế nhưng, chọn giải pháp gia công nghĩa là DN chấp nhận tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, chấp nhận mất dần thương hiệu, thị trường” - ông Lương Vạn Vinh lo ngại.

Không chỉ “đuối” ở kênh siêu thị, tại kênh phân phối chợ truyền thống, DN Việt cũng đang vất vả giữ thị phần. Trước xu hướng nhà sản xuất, kinh doanh tổ chức hệ thống phân phối đến từng địa phương và từng ngỏ ngách dân cư, chợ đầu mối (kênh bán hàng chính của đa số DN Việt trước đây) mất dần vai trò trung chuyển hàng hóa. Chẳng hạn, với mặt hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, nếu trước đây chợ đầu mối Bình Tây (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) phân phối khoảng 80%-90% thì hiện chỉ còn 10%-20%. Như vậy, DN nhỏ và cơ sở sản xuất gia đình không có điều kiện tự tổ chức hệ thống phân phối bán hàng sẽ rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ở hầu hết ngành hàng, các tập đoàn đa quốc gia và DN ngoại đều mạnh tay “o bế” hệ thống phân phối bán lẻ thông qua những chương trình thưởng doanh số, phí trưng bày, hỗ trợ quầy kệ, tăng chiết khấu... Song song đó là những ràng buộc để tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ “tự nguyện” quảng cáo, bán hàng cho họ.

Chị Đặng Ngọc Trân, bán hóa mỹ phẩm ở chợ Phú Lâm (quận 6), cho biết các nhãn hàng của công ty đa quốc gia như Nivea, Biore… thường trả thưởng bằng cách tặng thêm sản phẩm mỗi tháng. Có khi họ đưa kệ hàng, yêu cầu trưng bày đầy kệ và lấy hàng theo gói hợp đồng. Những gói này thường phải lấy số lượng nhiều, bắt buộc tiểu thương ưu tiên giới thiệu để đẩy hàng ra. “Với cách làm này, tiểu thương được lợi 1 mà DN lợi đến 2-3 nhưng lâu nay chưa thấy DN Việt nào làm” - chị Trân băn khoăn.

Mất chợ, nhiều DN sẽ “chết”

Theo giám đốc một DN nhựa gia dụng ở TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng doanh thu ở kênh phân phối siêu thị rất chậm do phải cạnh tranh với hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Ở hệ thống chợ, khi các DN đa quốc gia nhảy vào, nhiều tiểu thương, tiệm tạp hóa liên kết nhau đưa ra mức giá chung cho phí trưng bày hàng. Công ty của ông bắt đầu áp dụng các chính sách hỗ trợ đại lý bán hàng, tiểu thương để cạnh tranh nên cũng phải tốn thêm chi phí. Dự kiến từ năm 2015, khi hàng hóa các nước vào Việt Nam nhiều hơn, cạnh tranh trên thị trường gay gắt hơn thì chi phí này sẽ tăng mạnh hơn.

Ông Lương Vạn Vinh cho rằng nếu để mất kênh phân phối chợ, nhiều DN trong nước sẽ “chết”. Theo ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty Hóa phẩm ICC, những năm trước đây, DN Việt Nam chọn sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng “phải chăng” và được người tiêu dùng chấp nhận, kênh phân phối chủ yếu là các chợ. Thế nhưng, thị hiếu người tiêu dùng hiện đã thay đổi, họ yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, chấp nhận trả thêm tiền để được sử dụng hàng chất lượng tốt. Vì vậy, DN nội địa cần nắm bắt xu hướng này, cải tiến nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm các khoản chi cho quảng cáo, khuyến mãi, bán với giá tốt hơn.

Về phía nhà phân phối, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại BigC, nhận xét vẫn còn nhiều DN chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhà bán lẻ hiện đại và cần phải tái cấu trúc, cải tiến cách thức sản xuất, kinh doanh, đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn, kể cả hàng bán ở chợ, nên đòi hỏi DN phải nỗ lực nhiều hơn.