Doanh nghiệp Nhà nước không được "khất lần" cổ phần hóa

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Kết quả IPO của nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ đầu năm đến nay khiến không ít DN đang xây dựng phương án cổ phần hóa (CPH) e ngại. Tuy nhiên, DN IPO không thành công không có nghĩa là không thể tiến hành CPH, không chuyển đổi mô hình doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước không được "khất lần" cổ phần hóa
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2015 còn khoảng 400 DNNN nữa tiến hành IPO. Nguồn: internet

Đây cũng là thông điệp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN gửi Ban Chỉ đạo đổi mới DN các bộ, tỉnh, thành phố và các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước (TCTNN) trong một văn bản hồi giữa tháng 6 vừa qua.

IPO không thành công vẫn phải chuyển đổi mô hình hoạt động

Trước những e ngại của DNNN về tiến trình CPH khi kết quả bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của khối DNNN trong 6 tháng đầu năm 2014 khá ảm đạm, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính khẳng định, DN không được phép lùi thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của DN, không được phép lùi thời điểm CPH.

“Việc bán được ít CP NN tại DN trong IPO cũng là thành công, để DN chuyển sang hình thức công ty CP đa sở hữu”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết, tới đây với những DN không bán được CP thì có giải pháp chuyển sang công ty CP có cổ đông là người lao động, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) và một số cổ đông trong nước khác. Họ cùng “ngồi” lại với nhau để thành lập công ty CP theo Luật DN, hoạt động theo Luật DN. NN có thể nắm giữ đến 90% CP của DN nhưng sau đó, DN được tái cơ cấu lại quản trị để hoạt động tốt hơn, khi thị trường chứng khoán tốt lên thì lại tiếp tục bán vốn NN.

Được biết, báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ Tài chính, trong số 38 DN đã được phê duyệt phương án CPH đã có 31 DN tổ chức IPO.

Tuy nhiên, số lượng DN IPO thành công không nhiều. Những DN IPO thành công phải kể đến: Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco4), Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (Tedi), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên,…

Những DN IPO không thành công như: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 (Cienco6), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco8), Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), Công ty TNHH MTV Cơ khi Duyên hải (DMC), và 4 công ty TNHH MTV: Cảng Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Nha Trang…

Trong đó, cả 4 DN cảng biển sau IPO không thành công đều thông báo bán tiếp cổ phần, nhưng đến nay các đơn vị này đều không bán hết.

Nói về lý do khiến các DNNN IPO không thành công, một chuyên gia tài chính cho biết, một DN IPO không thành công có thể có rất nhiều lý do. Thứ nhất, do thị trường vốn không thuận lợi, nguồn vốn trên thị trường không dồi dào trong khi lại có nhiều DN cũng phát hành cổ phiếu khác có tính hấp dẫn hơn.

Thứ hai, DN có những điểm không được thị trường đón nhận một cách nồng nhiệt như: không có biên lợi nhuận cao, hiệu quả hoạt động kém cải thiện trong tương lai gần…

Đặc biệt, với DNNN thường có điểm “đen” là hiệu quả của hoạt động không cao thì không có gì lạ khi IPO của khối DN này không được giới đầu tư đón nhận nồng nhiệt.

Đồng quan điểm với vị chuyên gia này, đại diện của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán không trầm lắng như 2 năm trước đây, nhưng hiện nhà đầu tư (NĐT) vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu trên sàn là chính, do đó khả năng thu hút NĐT cá nhân vào IPO của DNNN không cao, khả năng không thành công của IPO cũng nhiều.

SCIC là tổ chức có khả năng đem lại giá trị cho DN, có thể cung cấp những điều kiện cần cho DNNN sau CPH như: tài chính, quản trị, kết nối kinh doanh…

Không cần thiết "gò ép" phải bán cổ phần bằng mọi giá

Một NĐT cho rằng, với những DNNN có thị trường và thị phần tốt, dù tỷ lệ nắm giữ thị phần của nhà nước lớn vẫn hấp dẫn NĐT, còn với những DNNN không hấp dẫn NĐT thì muốn bán được vốn nhà nước, DN cần phải được cơ cấu lại.

NĐT này cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng, nếu không IPO thành công, thì vẫn phải chuyển DNNN thành công ty CP với cổ đông là nhà nước, SCIC, tổ chức công đoàn, người lao động và cổ đông chiến lược,… nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu.

Tại thời điểm này, nguồn vốn không dồi dào, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, DN vẫn còn lao đao, hàng tồn kho cao, nợ xấu cao… Tất cả những yếu tố này làm cho nguồn vốn trong nước cũng như nguồn vốn nước ngoài trở nên khan hiếm.

Do đó, IPO trong lúc này không phải là lúc có điều kiện thị trường thuận lợi. Nếu IPO không thành công cũng không nên “gò ép” phải bán CP bằng mọi giá, nên đợi một thời gian nữa để phát hành cổ phần đợt 2.

Ông Tào Minh Dương - Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, đơn vị tư vấn thành công IPO cho một số DNNN thời gian vừa qua, luôn ủng hộ việc đẩy mạnh CPH DNNN.

Ông Dương cho rằng, khi DN đã tiến hành IPO, thì quá trình CPH đã trải qua một loạt các công đoạn mất rất nhiều công sức, thời gian như: xác định giá giá trị DN, phê duyệt phương án CPH,…

Nếu IPO không thành công thì DN phải chấp nhận cách thức thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn một, đưa DN sang hình thức công ty CP; Giai đoạn hai, cơ cấu lại DN với sự tham gia của các cổ đông là nhà nước, SCIC và các cổ đông khác. Khi hoạt động của DN đã bớt khó khăn, thị trường chứng khoán thuận lợi, thì việc bán CP sẽ đảm bảo bán hết và bán được mức giá hấp dẫn.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2014 và 2015 số DN tiến hành CPH là 432. Như vậy, còn khoảng 400 DN nữa cần phải CPH, trong đó có những TĐKT, TCTNN lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines),...