Doanh nghiệp nhà nước: Mô hình phát triển nào?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Sắp xếp, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dường như vẫn còn ngổn ngang sau một thời gian các đề án được trình duyệt.

Doanh nghiệp nhà nước: Mô hình phát triển nào?
Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam là một trong 2 mô hình thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhưng bất thành. Nguồn: internet
Nhưng không thể phủ nhận nhu cầu sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lí doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đẩy tới một cao trào mới…

Thử và sai

Khai tử, ai về nhà nấy hoặc thay tên đổi họ là trường hợp đã diễn ra với nhiều tập đoàn trong thời gian vừa qua. Trong giai đoạn 2010-2012, điển hình cho mô hình thí điểm “táo bạo” nhưng kết quả bất thành phải kể đến quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD).

Hai tập đoàn này thành lập trên cơ sở thực hiện thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế theo Quyết định ngày 12/1/2010, trong đó Tập đoàn VNIC lấy tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt và Tập đoàn HUD lấy tổng công ty Phát triển nhà và đô thị làm nòng cốt.

Sau hơn 2 năm, báo cáo của Bộ Xây dựng về mô hình thí điểm này cho thấy do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nên dẫn đến rất nhiều bất cập, mà trong đó cụ thể nhất là có tập đoàn đã tăng số lượng doanh nghiệp (DN) thành viên lên tới cả trăm, do dưới mỗi tổng công ty lại có hàng chục công ty con lớn nhỏ.

Tại Tập đoàn Sông Đà, với vốn đầu tư hiện diện ở 4 cấp DN thì tổng số thành viên của tập đoàn là 230 đơn vị, trong khi ở HUD cũng có tới 183 đơn vị. Trên thế giới có lẽ ít có tập đoàn nào lại có các thành viên mà cây phả hệ kéo dài tới vậy, ngoại trừ những tập đoàn đa quốc gia khi tính cả các công ty thành viên ở mỗi quốc gia, mỗi thị trường, hay những Cheabol khổng lồ của Hàn Quốc có tính cả những công ty liên kết có mối quan hệ tài chính và chiến lược kinh doanh.

Một xu hướng đang diễn ra và có lẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh trong thời gian tới, trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, đã có nhiều tập đoàn thay tên. Việc thay tên có thể chỉ như thay một cái vỏ bình mới và không có gì đáng lưu tâm nếu rượu trong bình vẫn cũ, nhưng cơ bản qua một vài trường hợp, việc thay tên Tập đoàn đã và đang kéo theo những định hướng phát triển mới của DN. Vì vậy được chờ đợi hơn.

Điển hình mới nhất phải kể đến là trường hợp đổi tên Vinashin, vốn được biết đến trước đây với cái tên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nay đã đổi sang “mác” mới là tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, trên cơ sở “tổ chức lại” công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo Quyết định số 3287 ban hành ngày 21/2013 của Bộ Giao thông vận tải.

Tên viết tắt mới của Vinashin là SBIC, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. công ty mẹ - SBIC là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và có 8 công ty con. Theo Bộ Tài chính, sự thay đổi mô hình phát triển của đơn vị này là để tập trung vào ngành nghề chính và có tài chính lành mạnh hơn. 

Vinashin khi lột xác thành SBIC có thể nhanh chóng phát huy hiệu quả của ngành nghề chính và có tài chính lành mạnh hay không, chắc chắn phải chờ rất nhiều thời gian cũng như quá trình tiếp tục “dọn dẹp”, mới có thể đưa ra thị trường một câu trả lời.

Mô hình phát triển chung?

Vậy đâu là mô hình cho sự phát triển chung của các DNNN trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế?

Chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng nhìn lại lịch sử hoạt động của mô hình DNNN, ngay từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới với ba trụ cột: (i) chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường; (ii) phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò ngày càng quan trọng; (iii) chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Ngay trong giai đoạn đổi mới lần đầu này, đã xuất hiện những nhận thức khác nhau về việc xây dựng tổng công ty. Nên tổ chức như thế nào, theo mô hình nào để “chuẩn” nhất là một lựa chọn khó đối với mô hình kinh tế Nhà nước, khi kinh tế Việt Nam luôn có những đặc thù khác biệt với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển.

Nhìn ra khu vực, có người đề xuất Việt Nam nên chọn mô hình Hàn Quốc, tức nhân các tập đoàn, tổng công ty lên từ những tên tuổi DN tiên phong theo cách lớn mạnh của các Chabol. Lại cũng có người dẫn ra mô hình phát triển của các các tổng công ty Nhật Bản, tương tự như Hàn Quốc và với một tiêu chí đơn giản: Các công ty có to thì mới mạnh, mới có thế cạnh tranh, mới đủ sức đối đầu.

Dù vậy, việc áp dụng tiêu chí này cho các công ty ở các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc thì phù hợp, sang ta, lại vẫn có phần khập khiễng, ông Chương nói.

Không cùng một xuất phát điểm và không cùng một lý do, các Tập đoàn, tổng công ty Việt Nam cần một tâm thế khác, một mô hình khác.

Ông Nguyễn Lê Nguyên - ThS. Tài chính Anh Quốc cho rằng nhìn về quá khứ, hiện tại và hướng đến tương lai, Việt Nam có thể chọn cho mình một hướng đi theo cách thức không bỏ giỏ một trứng – không tập trung tất cả mọi nguồn lực cho Tập đoàn, tổng công ty lớn mà nên hướng đến xây dựng một môi trường kinh tế, một sân chơi phẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, được “chơi” công bằng.

Điều đó sẽ tạo động lực cho khối DN nhỏ và vừa Việt Nam, vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp GDP quốc gia, có thể phát triển. “DN nhỏ và vừa rất cần vốn, trong khi đó nếu đã được “chơi” công bằng, Nhà nước sẽ không nhất thiết phải bơm thêm nhiều vốn, phải vận dụng đến các gói kích cầu cho từng nhóm kinh tế khi khó khăn. Nếu chúng ta có một sân chơi “phẳng”, khi nền kinh tế khó khăn, một số các DN phá sản sẽ không phải là vấn đề trở nên đáng nghiêm trọng, bởi DN này ngã xuống, sẽ là lớp gạch lót cho những DN còn lại đi tiếp, sống tốt. Đây là cách chơi bình đẳng và không có nghĩa là nghiệt ngã, ông Nguyên nói.

Vẫn biết, xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty Nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, là một trong những định hướng, công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế của kinh tế nhà nước.

Với ý nghĩa đó, sự ra đời của các tập đoàn, tổng công ty ở thuở ban đầu của nền kinh tế, có thể ví như một sự lớn mạnh của tự nhiên. Nhưng đó chỉ là sự vận hành tạm thời hoàn hảo trong một giai đoạn của quá trình phát triển tự nhiên. Các tập đoàn, tổng công ty trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu, hướng tới việc thoát khỏi “cái bọc” ấm êm của Nhà nước, và cần một sự định vị cho mô hình phát triển của khối DN này.

Vì vậy, nếu không có một sự định vị rõ ràng cho một mô hình phát triển chung của DNNN trong tổng thể nền kinh tế, thì thực tế dù thay đổi, dù sắp xếp, tái cấu trúc, dù định hướng quản lí và thậm chí thiết lập cả những tổ chức như Ủy ban Quản lí giám sát DNNN để quản lí DNNN kinh doanh hiệu quả như một đề xuất mới đây…, cũng rất khó có thể đưa đến những chính sách mạch lạc và đảm bảo cơ chế hỗ trợ DNNN thực sự phát triển, đồng thời cũng đảm bảo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng của tất cả các thành phần trong nền kinh tế.

Những ràng buộc về các DNNN phải bình đẳng với DN tư nhân mà Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương đưa ra đối với Việt Nam khi trở thành thành viên nay mai, đang khiến chúng ta phải suy nghĩ hướng tới cái nhìn dài hạn về nền kinh tế trong tương lai, ở khía cạnh này.