Doanh nghiệp nhà nước nên cắt lỗ để thoái vốn ngoài ngành?

Theo daibieunhandan.vn

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, tâm lý chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chờ được giá mới bán để bảo toàn vốn khiến quá trình thoái vốn chưa thực hiện được nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tái cấu trúc các DN. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, nên chăng thay đổi quan điểm tư duy, DNNN cần "cắt lỗ" và bán cổ phần đầu tư ngoài ngành bởi càng để sẽ càng lỗ, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước nên cắt lỗ để thoái vốn ngoài ngành?
DNNN hiện đang rơi vào thế khó trước áp lực thoái vốn. Nguồn: internet
Sau thời gian dài "nô nức" bỏ vốn đầu tư ngoài ngành và thua lỗ, nhiều DNNN hiện đang loay hoay tìm cách thoái vốn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng nhiều DNNN đã công bố các thông tin thoái vốn. Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng hiện nay, đa phần các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty đa phần đều thua lỗ, rất khó thoái vốn mà có thể bảo toàn vốn nhà nước. Nhiều dự án bất động sản làm ra không có người mua, nhiều ngân hàng thương mại làm ăn thua lỗ. Vì vậy, hoạt động thoái vốn không hề dễ dàng và thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu so với phần vốn các DN đã bỏ ra đầu tư ngoài ngành.

Để gỡ khó cho hoạt động thoái vốn của DNNN, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2013/NĐ-CP Về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM thì DN được chủ động thực hiện thoái vốn theo các phương thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán; giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường nhưng không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của DN. 

Bên cạnh yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước và không thấp hơn giá thị trường, Nghị định 71 đã có thêm hướng mở cho hoạt động thoái vốn, trong trường hợp khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DN nhưng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của DN, DN phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định. Quy định này đã trao quyền cho chủ sở hữu là các Bộ, ngành chủ quản quyết định có hay không thực hiện thoái vốn trong trường hợp lỗ vốn. Với quy định này, thực chất là Chính phủ đã chấp nhận cắt lỗ đối với các khoản đầu tư ngoài ngành trong một số trường hợp nhất định và giao Bộ chủ quản quyết định. Vấn đề đặt ra là chủ sở hữu sẽ căn cứ vào đâu để quyết định thoái vốn hay không thoái vốn, cắt lỗ hay không cắt lỗ?

Công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã được Chính phủ yêu cầu các DNNN thực hiện từ hai năm trở lại đây và đã có hướng dẫn triển khai cụ thể. Theo Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến, đối với những DN mà Nhà nước chỉ giữ từ 30% cổ phần trở xuống thì cần phải khẩn trương thoái vốn theo đúng tinh thần của Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.

Đối với DN làm ăn hiệu quả mà Nhà nước đang giữ từ 51% vốn trở lên thì thoái vốn phải có lộ trình. Trong đó, quan trọng nhất là phải kêu gọi được cổ đông chiến lược để bảo đảm cho DN hoạt động có hiệu quả. Nếu bán DN cho bất cứ nhà đầu tư nào trả giá cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận trước mắt, kể cả bán cho quỹ đầu tư mạo hiểm thì không khác gì chuyển DN cho nhà đầu cơ. Điều này rất mạo hiểm vì sau một thời gian, khi được giá họ lại bán cho nhà đầu tư khác thì không bảo đảm cho sự phát triển của DN, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động mà DN đang đạt được.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện tái cơ cấu DNNN. Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, hầu hết các DN đều đã có các đề án, phương án thoái vốn nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm.

Theo ông Tiến, lãnh đạo các DNNN hiện đang rơi vào thế khó trước áp lực thoái vốn để thực hiện tái cơ cấu. Khi thực hiện việc thoái vốn rất dễ dẫn đến "chiếc bánh" lợi nhuận của DN giảm, kéo theo việc không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của lãnh đạo các DN và áp lực phải rời khỏi vị trí nếu sau 2 năm DN hoạt động không hiệu quả, chưa kể áp lực bị truy tố trách nhiệm khi để thất thoát vốn nhà nước. 

Có thể thấy, tâm lý chung của lãnh đạo các DNNN hiện nay là chờ được giá rồi mới bán các khoản đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, hạn chót năm 2015 các DNNN phải hoàn thành việc thoái vốn đang đến gần, trong khi nền kinh tế khó có khả năng phục hồi nhanh chóng trong vòng 1 - 2 năm tới.

Theo đại biểu Quốc hội, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân, quan điểm chung của các tập đoàn tổng công ty chờ được giá rồi mới bán là không đúng. Chi phí cơ hội là rất lớn. Trong tình cảnh các khoản đầu tư đã lỗ mà cứ chờ được giá mới bán thì càng chờ sẽ càng lỗ, giá bán càng thấp. Các DNNN nên mạnh dạn "cắt lỗ", bán các khoản đầu tư ngoài ngành để có vốn đầu tư vào ngành kinh doanh chính và có thêm nguồn lực thực hiện tái cơ cấu. Hơn nữa, bán trong lúc này, các cổ đông sẽ tích cực mua vì còn thấy xu thế giá có thể tăng trong tương lai. Còn nếu cứ để lỗ nặng đến khi suy sụp, DN phá sản rồi thì có bán cũng chẳng nhà đầu tư nào mua, ngân sách nhà nước lại thất thu một khoản tiền lớn. Chính phủ cần phải điều chỉnh quan điểm, chấp nhận bán với giá thấp chứ không nên chờ được giá, kiểu tư duy đó sẽ thất bại. Thực tế thời gian vừa qua, DN chờ mãi mà giá càng ngày càng lỗ, khiến cho quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm chạp. 

Vấn đề thoái vốn nằm trong lộ trình cổ phần hóa, đổi mới DNNN. Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành chậm chạp cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của việc tái cơ cấu DNNN. Cho đến nay, có 66 đề án lớn về tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành trong khi cả nước có khoảng 3000 DNNN.

Theo TS. Trần Du Lịch, không chỉ thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà Chính phủ cần tập hợp nguồn tài sản rất lớn đang nằm phân tán tại các tập đoàn, tổng công ty. Từ đó, tính toán để trả nợ cho một số DN; hoặc cho giải thể, phá sản một số DN, dùng tiền đầu tư vào một số DN khác có hiệu quả hơn. Cách thức thực hiện tái cơ cấu theo hình thức từng tập đoàn, tổng công ty làm đề án tái cơ cấu nhưng vẫn giữ phần cho mình như hiện nay thì sẽ khó giải quyết triệt để những yếu kém của DNNN thời gian qua.