Doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Theo Nguyễn Hòa/baocongthuong.vn

Không chỉ đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản còn cam kết mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm 14% về số dự án và 14,8% về vốn trong tổng số FDI đầu tư tại Việt Nam. Nguồn: Internet
Các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm 14% về số dự án và 14,8% về vốn trong tổng số FDI đầu tư tại Việt Nam. Nguồn: Internet

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2017, Việt Nam thu hút được 3.600 dự án đầu tư trực tiếp đến từ Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đạt 46,1 tỷ USD. Với kết quả này, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản chiếm 14% về số dự án và 14,8% về vốn trong tổng số FDI đầu tư tại Việt Nam.

Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam, có nhiều tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Canon, Mitsubishi, Yamaha, Sumitomo, AEON… Phần lớn các tập đoàn này đều hoạt động hiệu quả và không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Điển hình như Tập đoàn Honda, từ một nhà máy đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, tập đoàn này đã có 3 nhà máy sản xuất xe máy và 1 nhà máy sản xuất ôtô tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký khoảng 530 triệu USD. Tập đoàn Canon có mặt tại Việt Nam vào năm 2011 với nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Hà Nội). Đến nay, Canon đã thành lập thêm 2 nhà máy tại KCN Quế Võ và KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh).

Gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Tập đoàn Sumimoto sau khi thành công với 2 KCN tại Việt Nam là KCN Thăng Long I (Hà Nội) và KCN Thăng Long II (Hưng Yên), cuối tháng 9/2017, tiếp tục khởi công KCN Thăng Long III (Vĩnh Phúc) nhằm thu hút thêm nhà đầu tư Nhật Bản.
Tại lễ khởi công KCN Thăng Long III, lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời khẳng định, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn thời gian tới.

Dù được nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản quan tâm, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn tồn tại nút thắt, có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản. Một trong những nút thắt quan trọng nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Canon từng cho biết, mỗi năm, Canon Việt Nam phải chi khoảng 40 triệu USD để nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất, điều này không chỉ khiến DN tốn kém tiền bạc mà còn tốn kém về thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để “giữ chân” được các nhà đầu tư Nhật Bản, bên cạnh sự quan tâm, thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, sẽ tiếp tục cùng với Nhật Bản thực hiện Kế hoạch công nghiệp hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hợp tác vào 6 ngành: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất và phụ tùng ôtô.