Doanh nghiệp nhỏ trước thách thức lớn

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được coi là một trong 4 động lực tăng trưởng và là trụ cột của nền kinh tế. Cơ hội đặt ra với họ ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt trong bối cảnh vừa phải vượt qua các thách thức nội tại vừa chống đỡ những khó khăn, sức ép từ ngoài thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đó là khẳng định của Ts Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tại hội thảo "Việt Nam trong bối cảnh kinh tế mới: Một số vấn đề lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa" được tổ chức gần đây.

Theo ông Kiêm, hơn ai hết, DN nhỏ Việt Nam đang rất khát khao hòa nhập và vươn lên, nhưng nội lực có hạn, cộng với những thách thức lớn từ thể chế, sức ép cạnh tranh khiến họ ngày càng đuối sức.

Trụ đỡ kinh tế đang gặp khó

Đóng góp hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp hàng năm nhưng các DNVVN của Việt Nam có số vốn hoạt động chỉ chiếm 30% tổng vốn hoạt động của các loại hình DN.

Theo Ts Cao Sĩ Kiêm, tỉ lệ doanh thu/vốn đo lường năng suất, hiệu quả khu vực DNVVN bình quân thường chỉ bằng 0,7 lần so với khu vực FDI nhưng cao gấp 2,4 lần so với DN Nhà nước.

Khu vực DNVVN chiếm 38% vốn đầu tư xã hội và gần 30% vốn tín dụng ngân hàng và đóng góp 43,2% GDP.

Tuy nhiên, vấn đề khó nhất của họ là tiếp cận vốn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đa số DNVVN của Việt Nam có số vốn nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ, hợp đồng gia công và thị trường ngách. Các DN Việt Nam đều rất khó chen chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn dù họ đã đặt chân vào Việt Nam vì công nghệ lạc hậu, quy mô quá nhỏ.

Trong môi trường toàn cầu hóa, cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp Việt sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức. Hơn 2/3 DNVVN Việt Nam hiện nay đã và đang khó tiếp cận vốn. 75% các DN đang có xu hướng co cụm lại không muốn tham gia hội nhập.

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 5 năm gần đây, có sự suy giảm khá mạnh các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn xuống trở thành các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong tỷ lệ 96% DNVVN thì có đến hơn 67% trong số đó là doanh nghiệp siêu nhỏ, với chỉ 10 lao động.

Trích dẫn báo cáo về tình hình DN nhỏ và vừa được Hiệp hội DN nhỏ và vừa và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây, Ts Doanh khẳng định: "Việt Nam đang có khoảng 500.000 DN nhỏ và vừa, đóng góp hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp. Khu vực này đang giải quyết khoảng 80% lao động Việt Nam. Tuy nhiên, hiện số vốn hoạt động của các DN này chỉ khoảng 120 tỷ USD, chỉ chiếm 30% tổng vốn hoạt động của các DN".

Khu vực DNVVN có những cơ hội, song cũng gặp không ít thách thức. Trước mắt, khu vực này phải đối mặt với khả năng thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực ngành hàng, hoạt động cầm chừng, giải thể… do bị đội chi phí đầu vào cao (hơn 70% nguyên phụ liệu thiết yếu phải nhập khẩu). Ngoài ra, DNVVN còn bị hạn chế về vốn, thị trường, công nghệ, quản trị, mặt bằng sản xuất…

Theo Ts Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM, để thúc đẩy khu vực DNVVN phát triển, phải xem đó là chiến lược để có những chính sách phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, để DNVVN thuận lợi tiếp cận vốn vay, cần có sự góp sức từ cả nhiều phía, bao gồm cả DN, ngân hàng, Nhà nước và các bên thứ ba là các hiệp hội, VCCI…

Cứ nhỏ li ti, hội nhập sao đây?

Trước đó, nói về cơ hội cạnh tranh và hội nhập trong sân chơi AEC, TPP và các FTA thế hệ mới, Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định: các DNVVN đang rất khó khăn và ảm đạm, họ suy giảm về cả số và chất lượng. Lo nhất là quy mô của họ sau bao năm vẫn "bé" mà không chịu chuyển sang "lớn". Việt Nam có quá nhiều DN nhỏ, cỡ bé li ti trong khi lại thiếu những DN lớn là những tay đấm đủ mạnh, không biết chúng ta sẽ hội nhập sao đây.

Theo Ts Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cái khó nhất của doanh nghiệp nhỏ không phải là thị trường, sự linh hoạt hay khả năng cạnh tranh. Khó nhất của họ lúc này là tiếp cận vốn ngân hàng và nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu.

Theo thống kê của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, số DN lớn của Việt Nam chỉ chiếm 2%, DN cỡ vừa vừa cũng chỉ dưới 10%, còn lại là các DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình.

Nếu ở trong một ngành, muốn cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ là các tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp có vốn lớn thì DN Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Còn muốn bắt tay để được vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm toàn cầu, đòi hỏi các DN Việt phải thoát kiếp "nhỏ" cả về quy mô lẫn năng lực tài chính.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho biết, chẳng đâu xa, Nhật Bản là nước có chính sách ưu đãi rất lớn DN nội địa. Các chính sách của họ như ưu tiên bảo hộ thị trường, chính sách vay không lãi suất, mở hướng đầu tư của hàng loạt DN nhỏ theo kiểu "tập đoàn cá mập" sang các nước khác… Chính vì nỗ lực rất lớn mà nay các DN nhỏ, truyền thống của họ đã trở thành những tên tuổi hàng đầu thế giới.

Đứng về góc độ hội nhập và cạnh tranh, Ts Lê Đăng Doanh cho rằng kinh tế và doanh nghiệp Việt ngày càng hội nhập sâu, rộng, lần lượt các rào cản thị trường như thuế, phí sẽ được xóa bỏ, cạnh tranh giá và sân chơi ngày càng phẳng – đồng nghĩa sẽ gay gắt, quyết liệt hơn.

Ts. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN

-------------------------------

Các DN nhỏ và vừa luôn rất nhạy cảm với thời cuộc và có thể thay đổi nhanh chóng. Hội nhập sẽ tạo sân chơi sòng phẳng cho phát triển, cơ hội có nhưng thách thức cũng có, không thể đòi tất cả lợi cho mình và bất lợi cho người khác. Chính những cái bất lợi, nếu nhận ra được trước, sẽ có thể thay đổi, thích nghi và xoay chuyển thành điểm lợi. Hội nhập và cạnh tranh sẽ là cuộc chơi công bằng nhất, nơi các DN được thanh lọc bởi sức mạnh thị trường và cơ chế mới, tốt hơn cho tổng thể. Các DN nào cạnh tranh và tồn tại, sẽ là những hạt nhân tốt cho Việt Nam.

Ts. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
-------------------------------
Chúng ta đang rơi vào hội chứng quá thừa các doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại thiếu doanh nghiệp cỡ vừa, lớn. Chúng ta phải xây dựng đội ngũ DN vừa nhiều hơn nữa bởi chính họ là những mắt xích quan trọng nhất để kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều CEO còn rất trẻ, rất năng động và có nhiều mối quan hệ nhưng kinh doanh ở Việt Nam sắp tới sẽ không còn bằng chỉ quan hệ mà phải bằng sức mạnh thương trường. Chúng tôi lưu ý cần mở lớp bình dân học vụ cho đội ngũ các lãnh đạo doanh nghiệp vừa, nhỏ siêu nhỏ để có thể đối phó với những thách thức, khó khăn trong xu thế hội nhập nền kinh tế toàn cầu sắp tới.

Ts. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện CIEM
-------------------------------
Về lâu dài, bài toán vốn với các DN này không thể "ăn đong, giật gấu vá vai" được, các DN nhỏ và vừa cần có cơ chế quản lý rủi ro tài chính các dự án, sản phẩm ở các DN nhỏ để đề phòng những trường hợp rủi ro vẫn có phương án bảo toàn. Hai thách thức mà DN Việt Nam gặp phải trong hội nhập là tăng cường về quy mô sản xuất và cải thiện năng lực tài chính. Thị trường đang được quyết định về người mua, nơi họ có nhu cầu và sẵn sàng sử dụng các sản phẩm thay thế, các DN cần đổi mới sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng cùng mở rộng kênh bán hàng.