Doanh nghiệp niêm yết tìm cách vượt khó...

Theo Đầu tư Chứng khoán

Khó khăn là tình trạng chung của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về đầu ra của sản phẩm, nhưng cũng có doanh nghiệp gặp khó về vốn để sản xuất. Một số doanh nghiệp đã chia sẻ kết quả kinh doanh quý III và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

Doanh nghiệp niêm yết tìm cách vượt khó...
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đẩy mạnh tiến độ sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm

“HOM, cả năm dự kiến đạt hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận”

Ông Trần Minh Sơn, Kế toán trưởng Công ty cổ phần (CTCP) Xi măng Vincem Hoàng Mai (HOM)

Ba quý đầu năm, HOM ước đạt 64 tỷ đồng lợi nhuận. So với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 163 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thông qua, nhiều khả năng Công ty chỉ đạt trên 100 tỷ đồng trong cả năm 2012. Hiện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang xem xét điều chỉnh giảm lợi nhuận các đơn vị trực thuộc và HOM cũng có khả năng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Từ đầu năm 2012 đến nay, giá các nguyên liệu đầu vào như điện, than đều tăng, trong khi giá bán xi măng đầu ra giữ nguyên, khiến hiệu quả kinh doanh của Công ty không cao. So với năm 2011, lượng tiêu thụ xi măng của các DN sản xuất xi măng, trong đó có HOM chậm hơn đáng kể. Hiện tại, HOM đang đầu tư vào dự án dây chuyền Nhà máy Xi măng Hoàng Mai 2, với giá trị 67 tỷ đồng, công suất dự kiến 4,5 triệu tấn xi măng/năm.

“STP vẫn chú trọng hoạt động đầu tư và xây lắp”

Ông Nguyễn Trọng Giang, Giám đốc CTCP Công nghiệp Thương mại Sông Đà (STP)

Tính đến hết tháng 9/2012, STP ước đạt trên 13 tỷ đồng lợi nhuận. Công ty phải nỗ lực hết sức thì mới hoàn thành được kế hoạch kinh doanh cả năm đã được ĐHCĐ thông qua là doanh thu 262,81 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,88 tỷ đồng. STP vẫn chú trọng hoạt động đầu tư và xây lắp. Đối với Dự án hạ tầng công nghiệp Chương Mỹ, Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích 2,06 héc-ta; dự án này sẽ ghi nhận lợi nhuận trong năm 2013. Đối với dự án khai thác, chế biến đá xây dựng tại Lương Sơn (Hòa Bình), Công ty đang triển khai việc khai thác và đưa thiết bị vào hoạt động ổn định trong năm nay.

“TTF có nhiều đơn hàng, nhưng thiếu vốn để sản xuất”

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF)

Trong quý III/2012, kết quả kinh doanh của TTF tốt hơn so với những tháng đầu năm, ước đạt 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nâng mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm lên 18,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm và mức vay của TTF ở các ngân hàng giảm xuống 130 tỷ đồng, nên Công ty giảm được áp lực nợ nần, giảm chi phí lãi vay.

TTF sẽ phấn đấu để hoàn thành mục tiêu 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2012. Chúng tôi có cơ sở để an tâm về đầu ra của sản phẩm, vì có nhiều đơn hàng đặt dài hạn cho cả sang năm. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là dòng tiền. Công ty luôn cần vốn lớn để bổ sung cho sản xuất - kinh doanh và thực hiện các đơn hàng, nhưng chưa có nguồn tiền thay thế cho khoản giảm vốn vay ngân hàng. TTF rất muốn gọi vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhưng thực hiện ở thời điểm hiện nay là không dễ thành công. Giải pháp, đồng thời là nhiệm vụ ưu tiên của TTF là thuyết phục ngân hàng mở thêm hạn mức tín dụng, với lãi suất thấp. Chúng tôi tính toán rằng, nếu lãi suất cho vay trong khoảng 12 - 15%/năm thì TTF vẫn “sống khỏe” và có lợi nhuận tốt. Nếu không xoay xở được vốn, có lẽ TTF sẽ phải chấp nhận từ chối bớt đơn hàng.

“SVC sẽ cắt giảm, chuyển nhượng một số dự án”

Ông Tạ Phước Đạt, Phó tổng giám đốc CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC)

SVC vừa có cuộc họp tổng kết sơ bộ tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012. Kết quả là chúng tôi nhận thấy tình hình vẫn chưa sáng sủa, đặc biệt là mảng thương mại có sự sụt giảm. Nhiều đại lý kinh doanh xe máy, ô tô của Công ty không hoàn thành được chỉ tiêu doanh số. Chúng tôi từng mong rằng, với một số giải pháp giúp giảm lãi suất của ngành ngân hàng, sức mua của người dân sẽ có động lực để tăng, nhưng thực tế cho thấy, lực cầu vẫn không cải thiện.

Hiện tại, sau khi điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh, áp lực đã phần nào giảm bớt cho SVC. Trong mảng kinh doanh ô tô, xe máy, SVC sẽ lấy nơi lãi nhiều bù nơi lãi ít, hoặc không lãi. Ngoài ra, SVC đẩy mạnh các hoạt động về dịch vụ như kinh doanh phụ tùng phụ kiện, làm tốt dịch vụ hậu mãi, sửa chữa/đổi xe cũ…

Với lĩnh vực bất động sản và tài chính, chúng tôi đang tìm cách cắt giảm, chuyển nhượng một số dự án để tăng thanh khoản cho Công ty, giảm áp lực nợ nần. Về lâu dài, SVC chỉ giữ lại các dự án trung tâm thương mại.

“ANV lao đao với tình trạng bán phá giá trong ngành”

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó tổng giám đốc CTCP Nam Việt (ANV)

Trong quý III/2012, hoạt động kinh doanh của ANV tiếp tục gặp khó khăn. Chúng tôi vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu, nhưng lợi nhuận gần như không thay đổi so với kết quả 6 tháng đầu năm. Tính chung 9 tháng, doanh thu của ANV ước đạt 1.400 tỷ đồng, còn lợi nhuận dưới 30 tỷ đồng. Nguyên do là ANV buộc phải cạnh tranh về giá và chấp nhận bán giá thấp. Mục đích của chúng tôi hiện tại là duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, còn lợi nhuận tạm thời chưa tính đến. Có lẽ, chúng tôi sẽ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho cả năm.

Điều mong đợi của chúng tôi là tình trạng bán phá giá trong các đơn vị thủy sản sớm qua đi. Thực ra, tình trạng bán phá giá đã diễn ra từ lâu, nhưng ở mức độ không dữ dội như bây giờ. Năm 2012 là năm cực kỳ khó với đa số DN thủy sản về cả mức độ tồn kho và thanh khoản dòng tiền. Vì thế, nhiều DN sẵn sàng bán giá thấp, chấp nhận lỗ để giảm tồn kho, có vốn hoạt động.

Năm nay, thị trường xuất khẩu cá sang châu Âu của ANV giảm nhiều, do khó khăn chung ở khu vực này. Để bù đắp khoảng trống từ thị trường châu Âu, Công ty đã tìm cách mở rộng thị trường ở Nam Mỹ, Trung Đông, châu Á. Sang năm 2013, chúng tôi dự kiến kế hoạch doanh thu sẽ tăng so với năm 2012, còn lợi nhuận là điều rất khó nói trước.

“VC2, tập trung triển khai Dự án Golden Silk”

Ông Vũ Duy Long, Kế toán trưởng CTCP Xây dựng số 2 (VC2)

9 tháng đầu năm, VC2 ước đạt trên 16 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, riêng quý III/2012, Công ty ước đạt 8 tỷ đồng lợi nhuận, 195 tỷ đồng doanh thu. Năm 2012, hoạt động xây lắp của Công ty vẫn duy trì tốt. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản chưa thuận lợi, nên một số dự án của Công ty chưa bán theo đúng tiến độ. Do vậy, HĐQT đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh từ 33,5 tỷ đồng xuống còn 26,5 tỷ đồng, cổ tức cũng được điều chỉnh từ 18% xuống 15%.

Hiện tại, VC2 đang tập trung triển khai đầu tư Dự án Golden Silk, trong đó sẽ triển khai dần khu nhà thấp tầng để khai thác kinh doanh. Ngoài ra, Công ty đang chuẩn bị đầu tư một số dự án bất động sản khác như Dự án BT Long Biên, tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng; Dự án Chung cư Hồng Hà - TP. Hạ Long, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng (dự án này đã được TP. Hạ Long giao chủ đầu tư và công bố quy hoạch).

“SDA, khách mua nhà chậm nộp tiền”

Bà Đặng Thị Thường, Phó tổng giám đốc CTCP Simco Sông Đà (SDA)

Mặc dù chưa có con số cụ thể về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, nhưng tôi cho rằng, kết quả kinh doanh sẽ rất thấp. Việc hoàn thành kế hoạch năm 2012 mà ĐHCĐ giao như doanh thu 238,32 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 27,59 tỷ đồng là rất khó khăn.

Doanh thu trong 9 tháng đầu năm chỉ đến từ hoạt động xuất khẩu lao động, Công ty chưa ghi nhận lợi nhuận từ việc bán các dự án bất động sản, vì khách hàng chậm nộp tiền. Một số dự án bất động sản đã hoàn tất, nhưng do tình hình khó khăn chung của thị trường nên vẫn chưa bán được.

Hiện SDA đang đầu tư một số dự án như Tòa nhà Simco Tower, Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội), với tổng mức đầu tư 169,391 tỷ đồng; dự án đường bao phía Tây, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị hai bên đường bao phía Tây TP. Hà Tĩnh.