Doanh nghiệp nội chèn nhau - Doanh nghiệp ngoại hưởng lợi

Theo Đại đoàn kết

5 năm gia nhập WTO, nhiều ngành hàng trong nước thực sự bước vào sự cạnh tranh đúng nghĩa khi thuế nhập khẩu được cắt giảm theo cam kết của tiến trình tự do hóa thương mại. Các doanh nghiệp (DN) nội sản xuất nước giải khát, ô tô đã dần phải trút lớp áo "bảo hộ” để tự bươn chải.

Doanh nghiệp nội chèn nhau - Doanh nghiệp ngoại hưởng lợi
DN ngoại rất chuyên nghiệp trong phục vụ, nhân lực có chất lượng và thiện chí với khách hàng. Nguồn: Internet
Hàng thuần Việt khó đứng

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, các DN sản xuất trong nước không nên lợi dụng internet, dùng các chiêu trò quảng cáo để triệt hạ nhau để rồi để DN ngoại trở thành "ngư ông đắc lợi”. Sự mờ nhạt về hình ảnh và khiêm nhường về doanh thu của DN nội so với DN ngoại, đã cho thấy điều đó.

Hiện chưa có số liệu chính xác về tốc độ phát triển ngành nước giải khát tại Việt Nam. Nhưng nếu nhìn vào sự gia tăng liên kết cũng như các thương vụ đấu tố nhau, vi phạm hàng giả hàng nhái đã cho thấy xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Các DN tham gia cuộc chơi nước giải khát đều nhận thấy, đây là kênh tiềm năng, do vậy phải giữ "miếng bánh” bằng mọi cách.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết: tiêu cực trong hoạt động cạnh tranh mà điển hình là hiện tượng cạnh tranh với các hãng bia nhập khẩu, các nhãn hiệu rượu nhái, kém chất lượng có xu hướng gia tăng và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Hiện chỉ còn một số ít DN trong nước còn tồn tại. Ngay cả thương hiệu Tribeco một thời đình đám nay cũng rơi vào tập đoàn Uni-President.

Đại diện một DN trong khối nước giải khát thừa nhận, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số DN nội ngoài chi hoa hồng như chi cho đại lý, tiến hành hàng loạt chương trình động lực như trao thưởng, tặng quà cho đại lý. Nhiều nhà cung cấp nước giải khát nội lạm dụng quảng cáo để nói xấu nhau. Mà đáng lẽ ra phải là đứng chung chiến tuyến cạnh tranh với DN ngoại. Chính điều này đã khiến nhiều DN ngoại có vốn đầu tư nước ngoài đứng ở giữa hưởng lợi.

Yêu cầu phát triển thị trường trong nước cho hàng Việt là rất khẩn thiết nhưng thực tế đang diễn ra, hàng thuần Việt hay là hàng hóa của DN nội vẫn khó đứng trên thị trường. Tại các kệ bán hàng của siêu thị, hàng hóa thuần Việt chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, hàng hóa của các công ty đa quốc gia: Cocacola, Pepsi, Uniliver chiếm tỷ trọng lớn.

Ngư ông đắc lợi

Tới thời điểm này, không ít DN nội lo ngay ngáy trước sự chèn ép về giá và quy mô của DN ngoại. Bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận, một số DN đầu tư nước ngoài đã có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như: nâng giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý…tạo nên tình trạng lỗ giả lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, DN trở thành 100% vốn nước ngoài. Rất nhiều thương hiệu Việt đã bị thâu tóm bởi những thủ thuật này: kem đánh răng Dạ Lan, kem đánh răng P/S, phở 24, Highlands Coffe, Bibica…

Hiện hầu hết các siêu thị cỡ lớn của Việt Nam đều là siêu thị liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài. Nhiều siêu thị, nếu muốn hàng được bày DN phải chi khoảng 50 triệu đồng tiền phí cam kết làm ăn với siêu thị. Đồng thời, các đơn vị phân phối luôn đặt ra mức chiết khấu rất cao, đến 30% giá thành sản phẩm.Vì vậy, đến khi hàng được bán đến người tiêu dùng thì giá đã bị đội lên gấp mấy lần so với giá ban đầu. Không chỉ có vậy, việc thanh toán cũng rất chậm phải 2-3 tháng mới lấy được tiền trong khi DN sản xuất nhất là DN vừa và nhỏ, nguồn vốn lưu động không nhiều nên khó có thể đáp ứng những yêu cầu siêu thị đề ra. Hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài lại vượt trội với thế mạnh về vốn. DN nội dần thất thế ngay trên chính sân nhà.

Các chuyên gia lĩnh vực này nhận định trong khi các nhà sản xuất trong nước chỉ có thuận lợi là am hiểu người tiêu dùng Việt và có mạng lưới phân phối sẵn có thì các DN ngoại lại chuyên nghiệp trong phục vụ, nhân lực có chất lượng và rất thiện chí với khách hàng.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: vẫn còn không ít DN dùng thủ thuật chuyển giá và không thực hiện đầy đủ chính sách thuế của Nhà nước. Cơ quan quan chức năng cần nghiên cứu và sửa đổi văn bản pháp luật không đáp ứng được yêu cầu; hoàn chỉnh các hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế bảo vệ sản xuất cũng như tăng cường năng lực của các Hiệp hội ngành hàng để phát hiện và kiến nghị với các cơ quan quản lý những biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Đặc biệt, các DN cần có chiến lược phát triển thị trường, thương hiệu và đăng ký thương hiệu những nước mình sẽ xuất khẩu trước mắt và tương lai.

Mục tiêu cao nhất của các DN bán được nhiều hàng, thu được nhiều lợi nhuận. Muốn vậy, DN nội thay vì cạnh tranh, đấu tố lẫn nhau thì phải đặt mục tiêu vì người tiêu dùng lên hàng đầu, phải liên kết cùng nhau bán hàng chất lượng và giá cả hợp lý. Và nhất là không được chế chèn ép nhau, cho dù phải cạnh tranh.