Doanh nghiệp “rầu” với kế hoạch 2013

Theo Vietstock

Trên sàn chứng khoán đã có khá nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh 2013, nhưng hầu hết đều thể hiện sự dè dặt với những con số kém khả quan. Chỉ tiêu đưa ra bằng hoặc thấp hơn mức thực hiện của năm 2012 cho dù năm này được xem là đỉnh điểm khó khăn của nền kinh tế.

Doanh nghiệp “rầu” với kế hoạch 2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp phần lớn tập trung ở các ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, thủy sản, cao su, mía đường…

Là một doanh nghiệp bất động sản, xây dựng lớn trên thị trường và được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng Công ty cổ phần (CTCP) Licogi 16 (HOSE: LCG) lại có kết quả kinh doanh hết sức ảm đạm khi lỗ 36.57 tỷ đồng năm 2012. Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo công ty cho biết, trong trường hợp xấu nhất, công ty có thể lỗ đến 94 tỷ đồng năm 2013 nếu không thoái vốn được ở Công ty Nhiên liệu sinh học Phương Đông. Còn trong trường hợp khả qua nhất công ty chỉ có thể hòa vốn.

Trước đây, công ty từng dính đến vụ vay vàng hơn 5,850 lượng vàng tại Agribank khiến nhiều cổ đông hết sức lo lắng.

CTCP Lilama 18 (HOSE: LM8) chỉ đề ra kế hoạch kinh doanh với 702.4 tỷ đồng doanh thu và 31.5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm đến 36% so với mức 48.62 tỷ đồng của năm 2012.

Trong khi đó, CTCP Xây dựng Cotec (HOSE: CTD) dù có trong tay hàng chục công trình, dự án lớn nhưng công ty vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu doanh thu 4,500 tỷ đồng năm 2013, tăng nhẹ 23 tỷ so với năm 2012, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 40 tỷ đồng, dừng lại ở mức 180 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cao su vốn nổi danh với lợi nhuận khủng qua các năm nhưng kết quả không mấy khả quan trong năm 2012, qua năm 2013 cũng phải “dè dặt” trong các chỉ tiêu kế hoạch. Điển hình như Cao su Phước Hòa (PHR) chỉ đề ra kế hoạch doanh thu 1,857 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 378 tỷ đồng, giảm gần 40% so với mức thực hiện của năm 2012 do lo ngại cao su nguyên liệu tiếp tục rớt giá.

Tương tự, CTCP Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2013 ở mức 901 tỷ và 257 tỷ đồng, lần lượt giảm 0.77% và 26% so với mức thực hiện của năm 2012.

CTCP Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) đưa ra chỉ tiêu doanh thu 446.7 tỷ đồng cho năm 2013, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 85 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức thực hiện của năm 2011, 2012, cũng như các năm trước đó.

CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 515 tỷ đồng và cổ tức 2013 dự kiến 30%, trong khi năm 2012 các chỉ tiêu này đạt lần lượt 585 tỷ đồng và 40% bằng tiền mặt.

CTCP Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) công bố chỉ tiêu doanh thu 2013 ở mức tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2012 lên 202 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 39 tỷ đồng, xuống 43 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của công ty này.
Tình hình khó khăn về tồn kho và giá bán thấp của của ngành đường khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2013. CTCP Mía Đường - Nhiệt Điện Gia Lai (HOSE:SEC) chỉ đề ra kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn. Lợi nhuận giảm hơn ½ so với năm 2012, phấn đấu đạt khoảng 31 tỷ đồng, trong khi kế hoạch doanh thu tăng xấp xỉ 50 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm đến 174 tỷ đồng.

CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 607.5 tỷ đồng trong năm nay, trong khi kế hoạch kinh doanh lại giảm rất mạnh so với năm 2012 và là mức thấp nhất của công ty kể từ năm 2008. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu tăng nhẹ khoảng 44 tỷ đồng lên 976.6 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 37.6 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với 2012.

CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2012 – 2013 tiếp tục dư cung, sản lượng trong nước cũng thừa khoảng 300 ngàn tấn, đồng thời, vấn đề nhập lậu đường từ Thái Lan và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành đường trong nước và hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo đó, ngày 20/04 tới, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3,227 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 167 tỷ đồng và sau thuế 125 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2012. Tuy nhiên, với kế hoạch phát hành gần 31.5 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên gần 630 tỷ đồng trong năm 2013 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của công ty vẫn giảm đáng kể.

CTCP Bourbon Tây Ninh (HOSE: SBT) có lợi nhuận 2012 sụt giảm đáng kể so với năm 2011 (hơn 30%), đạt 422 tỷ đồng trước thuế và 370 tỷ đồng sau thuế. Trong năm 2013, SBT tiếp tục tỏ ra thận trọng khi HĐQT công bố chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh, với hơn 2,314 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế rớt xuống còn 365 tỷ đồng, tức giảm trên 13.5%.

CTCP XNK Thủy Sản Bến Tre (HOSE: ABT) mặc dù đặt kế hoạch đạt 650 tỷ đồng doanh thu thuần và 60 tỷ đồng lợi nhận trước cùng cổ tức từ 40-60% năm 2013 nhưng so với năm 2012 và các năm trước, kế hoạch năm nay của công ty vẫn giảm mạnh do lo ngại về giá cả nguyên liệu tăng cao, trong khi nhu cầu của các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do những khó khăn kinh tế.

CTCP Thủy Sản MeKong (HOSE: AAM) đã triệu tập ĐHĐCĐ thường niên và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013, với chỉ tiêu doanh thu tăng 7% so với năm 2012 đạt 520 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 25 tỷ đồng, tăng đến 40%. Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty đạt thấp nhất kể từ năm 2008, nên mặc dù kế hoạch 2013 có ghi nhận sự tăng trưởng nhưng vẫn còn khá thấp so với các năm trước.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày 09/04 vừa qua, lãnh đạo AAM cho biết, năm 2013, tình hình sẽ còn khó khăn nhiều hơn năm trước do nền kinh tế thế giới chưa hồi phục vững chắc, đặc biệt là ở châu Âu. Do bất ổn định trong chăn nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long còn tiếp diễn, và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, giá bán hạ đến sát sàn để giành thị trường tiêu thụ và giải quyết hàng tồn kho ở một số lớn công ty chế biến cùng ngành. Ngoài ra, vùng nuôi cá của nông dân ngày càng thu hẹp do gía xuất giảm nặng buộc giá bán nguyên liệu xuống dưới giá vốn sẽ gây khó khăn cho ngành chế biến cá tra, đồng thời chất lượng con cá cũng sẽ giảm theo.

Nhìn chung, việc các doanh nghiệp lo lắng, thận trọng về môi trường kinh doanh 2013 là điều có thể hiểu được khi mà các báo cáo, nhận định hay dự báo của các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng kinh tế vẫn còn khó khăn. Nhu cầu mua sắm đã giảm đáng kể, nợ xấu, tồn kho, lãi suất, tiếp cận nguồn vốn vay… vẫn là những gánh nặng với các doanh nghiệp.

Và có lẽ cũng hiểu được điều này nên tại các ĐHĐCĐ đã diễn ra, cổ đông đều ít tỏ ra gay gắt, hay đề xuất tăng kế hoạch như đã từng xảy ra ở các mùa Đại hội trước. Sự thấu hiểu này giúp HĐQT và Ban lãnh đạo các doanh nghiệp giảm bớt áp lực khi phải đối diện với những khó khăn trong năm 2013.